Luật sư tư vấn
Điều 16 Nghị định 100/2019 có hiệu lực ngày 1/1/2020 quy định: Người điều khiển ôtô (kể cả xe rơ moóc và sơ mi rơ moóc) có giấy chứng nhận đăng kiểm phương tiện quá hạn dưới một tháng sẽ bị phạt 2-3 triệu đồng; quá hạn trên một tháng 4-6 triệu đồng.
Ngoài ra, người điều khiển phương tiện quá hạn đăng kiểm cũng sẽ phải chịu mức phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe 1-3 tháng, theo điểm a khoản 6 Điều 16 Nghị định 100/2019.
Chủ phương tiện biết hết hạn kiểm định nhưng vẫn giao xe cho người khác hoặc sử dụng tham gia giao thông sẽ bị xử phạt như sau:
- Nếu chủ xe là cá nhân: Quá hạn đăng kiểm dưới một tháng mức phạt 4-6 triệu đồng và trên một tháng mức phạt 6-8 triệu đồng.
- Nếu chủ xe là tổ chức: Trường hợp phương tiện quá hạn đăng kiểm dưới một tháng mức phạt 8-12 triệu đồng và trên một tháng mức phạt 12-16 triệu đồng.
Khi Nghị định 123/2021 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 sửa đổi bổ sung Nghị định 100/2019, mức phạt với việc chậm đăng kiểm không thay đổi.
Như vậy, cả chủ xe và lái xe vi phạm lỗi quá hạn đăng kiểm xe trên một tháng sẽ bị xử phạt cao nhất lên đến 22 triệu đồng.
Ba trường hợp bị từ chối đăng kiểm:
- Chưa thực hiện nộp phí phạt nguội: Trong quá trình tham gia giao thông, người lái xe vi phạm và bị xử phạt nguội.
Vì vậy, chủ xe phải thực hiện nghĩa vụ nộp phạt rồi mới tiến hành đăng kiểm.
- Xe kinh doanh vận tải mà không lắp thiết bị camera giám sát hành trình.
Theo điều 13, khoản 2 Điều 14 Nghị định 10/2020, trước ngày 1/7/2021 việc lắp đặt camera hành trình cho phương tiện kinh doanh vận tải là bắt buộc.
Người vi phạm có thể bị phạt đến 2 triệu đồng, theo điều 24 Nghị định 100/2019.
- Tự ý thay đổi kết cấu xe mà không đảm bảo nguyên trạng của nhà sản xuất.
Điều 55 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, quy định: Bảo đảm quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ. Cụ thể: "Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt".
Bạn thay thế phụ tùng nhưng vẫn đảm bảo tiêu chuẩn, kích thước thì vẫn được đăng kiểm. Tuy nhiên, việc thay thế mà làm thay đổi công năng, công suất (chẳng hạn thay đổi độ sáng của đèn) thì không được chấp nhận.
Với xe độ thêm cánh gió, bậc bước chân, cản trước, sau, thay đổi sắc... dù không thay đổi kết cấu nhưng làm thay đổi kích thước tổng thể của xe, vì thế cũng không được đăng kiểm.
Luật sư Nguyễn Đại Hải
Công ty Luật TNHH Fanci
Xem thêm: lmth.8663554-gnod-ueirt-22-iot-tahp-ib-oto-meik-gnad-mahc-iahp-oc/ten.sserpxenv