Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, với chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý IV/202 tăng 0,67% thì CPI cả năm 2022 tăng 3,15% so với năm 2021. Mức tăng này thấp hơn so với mục tiêu mà Quốc hội đề ra là 4%.
Trong mức tăng 3,15%, giá xăng dầu là nguyên nhân đóng vai trò chủ yếu. Theo đó với 34 đợt điều chỉnh khiến giá xăng E5 tăng 2.580 đồng/lít, giá dầu diesel tăng 4.030 đồng/lít… đã làm giá xăng dầu trong nước bình quân năm 2022 tăng 28,01%. Qua đó làm CPI chung tăng 1,01 điểm phần trăm.
Giá xăng dầu tăng làm CPI chung tăng 1,01 điểm phần trăm
Cùng với xăng dầu, giá gas bình quân 2022 sau 12 đợt điều chỉnh tăng 11,49% so với năm 2021, khiến CPI chung tăng 0,17 điểm phần trăm.
Ngoài ra, giá nhà ở và vật liệu xây dựng năm 2022 tăng 3,11% so với năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, làm CPI chung tăng 0,59 điểm phần trăm. Giá các mặt hàng thực phẩm năm 2022 tăng 1,62% so với năm 2021, làm CPI tăng 0,35 điểm phần trăm…
"Năm 2022, kinh tế nước ta phục hồi nhanh, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu tăng cao, cùng với tác động của giá nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới đã đẩy giá sản xuất hàng hóa và dịch vụ trong nước tăng. Chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất, chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu quý IV và năm 2022 đều tăng so với cùng kỳ năm 2021", Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 12/2022 tăng 0,33% so với tháng trước, tăng 4,99% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 4,55%) chủ yếu do giá xăng dầu là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng CPI trong tháng 12 năm nay thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản...
Bình quân năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 2,59% so với năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,15%).
(Lạm phát cơ bản là CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và giáo dục)
Áp lực lạm phát năm 2023 vẫn là rất lớn
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết để chủ động ứng phó với những thách thức trước áp lực lạm phát gia tăng, trong thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội và qua đó giúp kiềm chế lạm phát của năm 2022.
Cũng theo bà Hương, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2023 do tác động của các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng cùng với nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng sẽ đẩy giá cả hàng hóa lên cao. Chính vì vậy, công tác quản lý, điều hành giá trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện thận trọng, chủ động và linh hoạt để bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2023.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.73413200192212202-513-gnat-2202-man-ipc/et-hnik/nv.vtv