Các bị cáo vụ Alibaba tại tòa - Ảnh: Q.Đ.
Hội đồng xét xử cho rằng đất đai là nguồn tài sản hữu hạn nên mọi quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đều có chính sách quản lý việc sử dụng đất.
58 dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng
Điều 6 Luật đất đai năm 2013 quy định nguyên tắc sử dụng đất: đúng quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, đúng mục đích sử dụng đất và hiệu quả bảo vệ môi trường và không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất .
Ngoài ra, mỗi địa phương đều có quy định về hạn mức sử dụng đất. Tuy nhiên để thâu tóm được thật nhiều đất nông nghiệp, Nguyễn Thái Luyện dùng mọi thủ đoạn, nhờ người thân và nhân viên dưới quyền đứng tên giùm.
Tính đến ngày vụ án bị phát hiện, bị cáo đã nhận chuyển nhượng hơn 2 triệu m2 đất tại tỉnh Bình Thuận, 838.000m2 đất tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và 1,5 triệu m2 đất tại tỉnh Đồng Nai vượt hạn mức quy định rất nhiều lần.
Bản thân bị cáo có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản từ năm 2012 nên biết rõ dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô bán nền phải đảm bảo các điều kiện: phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc được UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư; đã được chuyển mục đích sang đất ở; đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gồm các công trình dịch vụ công trình hạ tầng kỹ thuật hạ tầng xã hội theo quy định quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực.
Trước khi thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở để đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu gồm cấp điện, cấp nước - thoát nước, thu gom rác thải, hoàn thành đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai...
Tuy nhiên đối chiếu với các tài liệu trong hồ sơ vụ án và lời khai nhận của Nguyễn Thái Luyện tại phiên tòa, hội đồng xét xử xác định bị cáo không có bất kỳ văn bản nào xin phép chủ trương đầu tư đối với 58 dự án mà bị cáo đã thực hiện.
Tại thời điểm ký hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, các dự án hầu hết là đất nông nghiệp chưa được chuyển mục đích sang đất ở. Công ty Alibaba cũng chưa thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng, mà chỉ dừng ở việc chặt cây xanh, gắn biển quảng cáo… nhưng các bị cáo lại lập bản vẽ chi tiết 1/500 thể hiện kết cấu hạ tầng gồm các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các bản đồ phân lô.
Do đó, VKSND TP.HCM xác định toàn bộ 58 dự án không có thật là có căn cứ, nên hội đồng xét xử không chấp nhận trình bày của bị cáo và quan điểm bào chữa của luật sư về vấn đề này.
Chào bán sản phẩm không có thật để thu tiền là lừa đảo
Đối với quan điểm của luật sư cho rằng Công ty Alibaba có đất và phần lớn đất đều nằm trong quy hoạch đất ở nông thôn, do đó việc các bị cáo thỏa thuận chuyển nhượng tài sản hình thành trong tương lai và chưa tới thời hạn bàn giao tài sản nên đây là giao dịch dân sự đúng pháp luật.
Hội đồng xét xử cho rằng, như đã phân tích ở trên, đất đai là tài sản đặc biệt, do đó Nhà nước có quy định chặt chẽ về điều kiện giao dịch và các bị cáo đã bán đất không đảm bảo 5 điều kiện để chuyển nhượng, hầu hết đều là đất nông nghiệp, thậm chí là đất rừng sản xuất chưa được chuyển mục đích sang đất ở... Các bị cáo thậm chí còn vẽ dự án trên đất của người khác.
Ngoài ra, hầu hết các dự án, các bị cáo đều tự vẽ dự án và bán cho khách hàng ngay sau khi thỏa thuận chuyển nhượng đất nông nghiệp và đặt cọc cho người dân mà chưa thực hiện các thủ tục cập nhật, biến động đăng ký chuyển đổi tên người sử dụng đất...
Tính đến ngày khởi tố vụ án 13-9-2019, mặc dù các bị cáo đã bán hàng ngàn lô đất trong các dự án, trong đó có những dự án chào bán từ cuối năm 2017, đầu năm 2018 đến nay đã quá thời hạn bàn giao đất ở và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng Công ty Alibaba chưa thực hiện bàn giao được bất kỳ lô đất nào thổ cư 100% có sổ đỏ như thỏa thuận đã ký kết.
Hành vi chào bán tài sản không có thật để thu tiền của khách hàng sau đó sử dụng là hành vi vi phạm pháp luật hình sự nên quan điểm bào chữa cho rằng viện kiểm sát, cơ quan điều tra hình sự hóa quan hệ dân sự và đề nghị tuyên bố các bị cáo không phạm tội là không có căn cứ nên hội đồng xét xử không chấp nhận.
Hội đồng xét xử vẫn đang tuyên án.
Sáng nay 29-12, TAND TP.HCM tuyên án đối với Nguyễn Thái Luyện và 22 bị cáo trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, xảy ra tại Công ty cổ phần địa ốc Alibaba với số tiền chiếm đoạt hơn 2.400 tỉ đồng.