Cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu có chức năng là cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế. Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ GT-VT và các chuyên gia, quá trình phát triển cảng biển đã và đang phát sinh một số xung đột, nổi bật nhất là xung đột về giao thông, khi thiếu hạ tầng kết nối với các tỉnh, thành Đông lẫn Tây Nam bộ. Điều này ảnh hưởng lớn đến hiệu quả và năng suất cảng.
Khi xác định cảng là lĩnh vực ưu tiên phát triển, thì quá trình đô thị hóa gắn với phát triển cảng là một vấn đề tất yếu. Vấn đề là quy hoạch đô thị phải được xây dựng như thế nào cho hài hòa với sự phát triển này. Đó là một trong những vấn đề mà những chuyên gia hoạch định chiến lược và BRVT hết sức quan tâm. Theo các chuyên gia cảng biển, vấn đề liên kết giữa cụm cảng container lớn của cả nước như Cái Mép – Thị Vải (CM – TV) với các đô thị lõi cận kề như thị xã Phú Mỹ, thành phốVũng Tàu hiện mới chỉ nhìn thấy xung đột về giao thông. Nhưng, trong tương lai chắc chắn sẽ xảy ra thêm tình trạng xung đột về đô thị và kinh tế - xã hội bởi, tình trạng đô thị hóa sát với khu vực cảng biển làm cho hệ thống kết nối giao thông tại những nơi này quá tải do phải gánh cả giao thông và đô thị.
Trước những bất cập đó, Bộ GT-VT đã giao cho Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện đề tài "Liên kết địa bàn giữa hệ thống các cảng biển CM-TV và đô thị lõi cận kề trong bối cảnh đô thị hóa gia tăng", nhằm nghiên cứu hiện trạng và đưa ra các giải pháp khắc phục. Cảng CM-TV được hình thành từ những quy hoạch năm 1978 của Bộ Xây dựng. Đến thập kỷ đầu của thế kỷ 21, cấu trúc cơ bản của hệ thống cảng này gần như mới hình thành xong. Tuy nhiên, sự kết nối giữa cụm cảng này với dân sinh, chân hàng và những vấn đề liên quan thuộc lĩnh vực kinh tế mới chưa được quan tâm đúng mức.
Cảng Cái Mép – Thị Vải năng động, chuyên nghiệp, hiện đại
PGS- TS Nguyễn Hồng Thục, Chủ tịch hội đồng Viện nghiên cứu định cư và năng lượng chia sẻ quan điểm: Phú Mỹ hiện nay đang rất băn khoăn nó là một đô thị công nghiệp hay nó là đô thị dịch vụ cảng, hay nó là đô thị dân sinh. Chúng tôi xin nói rằng nó có cả dư địa cho tất cả nếu biết dựa vào thành phố Vũng Tàu là thành phố mẹ và dựa vào phát triển cảng, dựa vào những cái vùng nội địa".
PGS - TS nguyễn Hồng Thục
Từ thực tế trên, PGS.TS Nguyễn Hồng Thục đề xuất cấu trúc không gian của đô thị Phú Mỹ và cảng CM-TV là thị xã Phú Mỹ được chia làm 4 khu "lõi" là Cái Mép Hạ, Cái Mép, Phú Mỹ và Mỹ Xuân. Trong đó, khu Cái Mép Hạ là khu dịch vụ và mậu dịch tự do phục vụ cho hoạt động cảng; Cái Mép và khu Mỹ Xuân là khu đô thị lõi dịch vụ công nghiệp chuyên ngành, đa ngành. Và cuối cùng khu Phú Mỹ là khu đô thị lõi hành chính phục vụ hoạt động công nghiệp, cảng biển, nơi ở cho công nhân, chuyên gia. CM-TV được xem là tài nguyên phục vụ cho lợi ích vùng, quốc gia chứ không riêng cho địa phương.
Hiện CMTV có thể đón những con tàu với sức chở 24.000 TEU, phục vụ cho hơn 40% GDP của cả nước. Rõ ràng, với tiềm năng và vị thế này, BRVT không thể không đặt KT biển, trong đó có cảng biển – trở thành 1 trong những lĩnh vực then chốt. Tuy nhiên, sự phát triển này phải được đặt trong vùng. Hay nói cách khác, sự phát triển của hệ thống cảng biển BRVT có tính độc lập tương đối, và phải có tính liên kết vùng với TP Hồ Chí Minh, Cần Giờ. Trong bối cảnh đó, BRVT phải tính đến yếu tố nào được ưu tiên để đột phá; không để cản trở quá trình đô thị hóa gắn với cảng. BRVT cần xác định rõ, đô thị cận kề sát cảng phải là đô thị cho dịch vụ cảng, không phải là đô thị phát triển tự phát từ người dân.
PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch thường trực Hội nghề cá Việt Nam thì cho rằng: "Cảng nó không chỉ là độ sâu, nó còn là hậu phương của cảng. Chính vì thế, liên kết vùng nó là bắt buộc và chúng ta không thể ngăn cản được quá trình đô thị hóa kéo theo cảng, chủ yếu là chúng ta phải phân vùng không gian cho các đô thị phát triển cận kề với cảng là những phần đô thị hay những khu đô thị có chức năng như thế nào để cho cảng nó không nhếch nhác. Cảng phát triển kéo theo quá trình đô thị hóa, nhưng quá trình này phải được kiểm soát theo một quy hoạch tổng thể. Nếu không, quá trình đô thị hóa gắn với sự phát triển cảng biển nhiều khả năng sẽ phát triển theo hướng đô thị phòng trọ, chứ không phải là một đô thị cảng đang hướng đến vai trò trung chuyển quốc tế".
PGS - TS Nguyễn Chu Hồi
Khi đề tài "Liên kết địa bàn giữa hệ thống các cảng biển CM-TV và đô thị lõi cận kề trong bối cảnh đô thị hóa gia tăng" được thông qua sẽ là cơ sở khoa học để BR-VT xây dựng và phát triển hệ thống cảng theo mô hình cảng - đô thị hợp nhất. Trong đó, tỉnh BRVT sẽ nghiên cứu quy hoạch phát triển đô thị lồng ghép vào cảng biển. Đồng thời, kết nối đồng bộ hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, tạo động lực thúc đẩy các khu kinh tế, đô thị ven biển và các KCN lớn trong vùng Đông Nam Bộ và khu vực lân cận; phát triển cảng biển hài hòa với phát triển đô thị, khu công nghiệp…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!