Học sinh lớp 2 Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TP.HCM) trong một tiết học môn tiếng Việt - Ảnh: DUYÊN PHAN
Từ những đề cử của bạn đọc, Tuổi Trẻ cùng một hội đồng gồm các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục khoa học sẽ chọn ra top 10 sự kiện giáo dục - khoa học nổi bật trong năm 2022.
Danh sách cuối cùng dự kiến sẽ được công bố vào ngày 31-12-2022.
Dưới đây là một số sự kiện được bạn đọc đề cử:
• Triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 3, 7, 10
Đặc biệt với lớp 10, lần đầu tiên học sinh có thể được lựa chọn các môn học trong tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội bên cạnh những môn học bắt buộc.
Quá trình triển khai cũng ghi nhận sự thay đổi "lịch sử" với môn lịch sử, khi Quốc hội yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo thiết kế môn học này từ môn tự chọn sang môn bắt buộc. Sự kiện này gây ra nhiều cuộc tranh luận trong cộng đồng.
• Công tác tuyển sinh được thực hiện theo hình thức trực tuyến trên tất cả các khâu
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022 các trường THPT trên cả nước triển khai việc cho học sinh lớp 12 đăng ký dự thi tốt nghiệp bằng hình thức trực tuyến. Đây là năm đầu tiên áp dụng hình thức trực tuyến vào việc này.
Các thí sinh cũng phải xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống. Bên cạnh đó, thí sinh phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học trên hệ thống lọc ảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
• Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất trích 3.500 tỉ ngân sách mua sách giáo khoa
Số tiền dự kiến sẽ được dành mua sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông 2018 để cấp miễn phí cho các thư viện, tủ sách dùng chung của các nhà trường cho học sinh mượn học.
Đề xuất này đưa ra sau khi ghi nhận giá sách giáo khoa xã hội hóa cao hơn 3-4 lần so với giá sách giáo khoa cũ.
• Năm "mưa vàng" của các đoàn thi Olympic Việt Nam
2022 là một năm "đại thành công" của đoàn thí sinh Việt Nam trong kỳ thi Olympic các môn học danh giá.
Các đoàn Việt Nam đều nằm trong top 10 các nước giành thành tích cao nhất chung cuộc. Đặc biệt ở Olympic toán học, đoàn Việt Nam xếp thứ 4 trong tổng số 104 đoàn tham dự với 2 huy chương vàng, 2 huy chương bạc, 2 huy chương đồng.
Bên cạnh đó, sau 20 năm, Việt Nam lại có học sinh đoạt số điểm tuyệt đối 42/42 điểm trong kỳ Olympic Toán quốc tế.
• Hàng triệu học sinh trở lại trường
Lớp học on-off đang là hình thức phổ biến trong dạy học ở nhiều địa phương. Trong ảnh: học sinh lớp 9A6, Trường THCS Chu Văn An, quận 1, TP.HCM đang học môn toán tại lớp sáng 11-3, trong khi cô giáo là F0 đang giảng dạy trực tuyến từ nhà riêng - Ảnh: NHƯ HÙNG
Đầu năm 2022, học sinh các tỉnh thành bắt đầu trở lại trường học trực tiếp sau khoảng thời gian dài gián đoạn vì COVID-19.
Sau dịch COVID-19, việc học trực tuyến đã được nhiều giáo viên và học sinh chấp nhận như một phương pháp học bổ trợ cho hình thức học trực tiếp.
Một số địa phương đã quy định tỉ lệ các tiết học trực tuyến, chẳng hạn ở TP.HCM là 35%, trong tổng số tiết giảng dạy trong chương trình.
• "Trường Đại học Bách khoa Hà Nội" chuyển thành "Đại học Bách khoa Hà Nội"
Đây là lần đầu tiên có một trường đại học chuyển sang mô hình đại học đa lĩnh vực có trường trực thuộc đã được quy định trong Luật giáo dục Đại học 2018 (sửa đổi).
Sự thay đổi này cũng đã gây ra nhiều tranh luận trong cộng đồng về tên gọi các trường đại học tại Việt Nam cũng như chất lượng của các đại học hiện nay.
• Xôn xao chuyện "Tiến sĩ cầu lông"
Luận án '"tiến sĩ cầu lông" gây xôn xao dư luận
Đó là Luận án tiến sĩ giáo dục học nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La được hướng dẫn và bảo vệ, nghiệm thu thành công tại Viện Khoa học Thể dục Thể thao thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
Nhiều vụ việc tương tự đã khiến dư luận đặt dấu hỏi về giá trị và tính thực tiễn của những luận án tiến sĩ tại Việt Nam.
• Hơn 16.000 giáo viên các cấp bỏ nghề, báo động thiếu giáo viên
Mức lương thấp là một nguyên nhân khiến làn sóng giáo viên bỏ nghề gia tăng sau đại dich COVID-19. Tính bình quân 100 giáo viên có 1 người bỏ việc, chiếm tỉ lệ 1%.
Cũng trong năm 2022, Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Theo đó, sẽ thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tương đương tăng 20,8% so với mức lương cơ sở hiện hành.
• Dừng thi ngoại ngữ, kế hoạch nhiều thí sinh bị đảo lộn
Tháng 11-2022, không chỉ IELTS, nhiều kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ khác như Cambridge, TOEFL, JLPT, HSK… cũng phải tạm ngưng.
Các đơn vị liên kết tại Việt Nam tổ chức thi phải gửi lại hồ sơ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ theo hướng dẫn của thông tư 11/2022/TT-BGDĐT.
Những thay đổi này đã làm gián đoạn kế hoạch của nhiều sinh viên, nhiều bạn phải ra nước ngoài dự thi.
• Việt Nam thăng hạng trên bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo
Năm 2022, Việt Nam thăng hạng trên các bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo - Ảnh: IIOT-WORLD.COM
Năm 2022, theo bảng xếp hạng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của các quốc gia năm 2022 được Trung tâm Nghiên cứu và lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu (StartupBlink) công bố, Việt Nam xếp thứ 54, tăng 5 bậc so với năm ngoái.
Đặc biệt, TP.HCM lần đầu tiên được xếp hạng 111 trong 1.000 thành phố năng động, sáng tạo nhất toàn cầu.
• Ba nhà khoa học "ngôi sao đang lên"
Tháng 11-2022, trang website Research.com - cổng thông tin điện tử uy tín dành cho các nhà khoa học thế giới - công bố kết quả xếp hạng nhà khoa học có thành tích xuất sắc, gồm 1.000 nhà khoa học từ nhiều lĩnh vực nghiên cứu.
PGS.TS Trần Xuân Bách, PGS.TS Lê Hoàng Sơn và TS Phùng Văn Phúc được gắn huy hiệu Rising Star - ngôi sao khoa học đang lên xuất sắc trên thế giới.
• Giải thưởng VinFuture
Trao giải thưởng VinFuture 2022 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Sự kiện được nhiều kênh truyền thông quốc tế đưa tin. Chủ nhân các giải thưởng VinFuture 2022 gồm giáo sư Timothy John Berners-Lee, tiến sĩ Robert Elliot Kahn, tiến sĩ Vinton Gray Cerf, giáo sư David Neil Payne và tiến sĩ Emmanuel Desurvire với các tầng phát minh đột phá trong việc kết nối công nghệ mạng toàn cầu.
Theo nhiều chuyên gia, sự kiện phần nào đã tạo được sự quan tâm của cộng đồng, đặc biệt những bạn trẻ và giới học thuật trong nước, đến khoa học Việt Nam.
Tiến sĩ Việt được Hiệp hội Hàng không hoàng gia Anh vinh danh
Tháng 12-2022, tiến sĩ Nguyễn Huyền Đức được Hiệp hội Hàng không Hoàng gia Anh trao giải thưởng Gương mặt trẻ có đóng góp đặc biệt trong lĩnh vực hàng không năm 2022. Anh là nhà khoa học Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng của hiệp hội này.
Một năm 2022 sắp qua đi với không ít khó khăn, thử thách nhưng cũng để lại nhiều thành công trong lĩnh vực khoa học - giáo dục của Việt Nam. Nhiều sự kiện khoa học - giáo dục tiêu biểu đã mang đến những dấu ấn đặc biệt cho cộng đồng.
Xem thêm: mth.7614909182212202-2202-man-tab-ion-coh-aohk-cud-oaig-neik-us-gnuhn-uc-ed-cod-nab/nv.ertiout