Ngày 29/12, Toà án nhân dân Tp.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận vừa đưa vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản ra xét xử đối với bị cáo Trần Minh Công, SN 1963, trú thôn 2, xã Thuận Minh, huyện Hàm Thuận Bắc.
Thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản
Theo cáo trạng, đầu tháng 10/2011, Trần Minh Công thông qua ông Nguyễn Văn Bình là bảo vệ của Công ty TNHH Tuấn Minh do bà Tạ Thị Mỹ Châu, sinh năm 1972, trú tại khu phố 2, phường Phú Thủy, Tp.Phan Thiết làm Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật, biết công ty này có nhu cầu mua 10.000m2 đất trên trục đường QL28 thuộc xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc để xây dựng nhà máy sản xuất hạt điều.
Sau khi tìm kiếm nhiều địa điểm, Công biết bà Đỗ Ngọc Diễm (sinh năm 1940), ông Trần Văn Tám (sinh năm 1954) và ông Trần Văn Chín (sinh năm 1956), cùng trú tại thôn Bình Lâm, xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc bán đất có vị trí và diện tích phù hợp với yêu cầu của công ty. Công đến nhà của bà Diễm hỏi mua đất. Bà Diễm nói giá 200.000.000 đồng/1.000m2.
Sau đó, bà Diễm đưa cho Công 1 bản photo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện Hàm Thuận Bắc cấp ngày 30/9/1994 cho Đỗ Ngọc Diễm, diện tích 7.310m2.
Tiếp đó, Công nhờ ông Trần Minh Thuyết, sinh năm 1969, trú tại thôn An Phú, xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc đến hỏi mua đất của ông Tám và ông Chín và lấy bản photo Giấy chứng nhận quyền quyền sử dụng đất.
Bà Tám đồng ý bán mảnh đất diện tích 1.880m2 với giá 400.000.000 đồng, ông Chín đồng ý bán mảnh đất diện tích 3.211m2 với giá 220.000.000 đồng/1.000m2 và đưa cho Thuyết bản photo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện Hàm Thuận Bắc cấp ngày 3/8/1996 cho Trần Văn Tám và thêm một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện Hàm Thuận Bắc cấp ngày 30/9/1994 cho Nguyễn Thị Hai (mẹ của Trần Văn Chín).
Ông Thuyết về đưa lại cho Công 2 bản photo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên.
Bị cáo Công khai nhận tại phiên toà, sau khi lấy được 3 bản photo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Công gặp ông Bình, đưa đi xem vị trí 3 thửa đất trên.
Ông Bình báo cho bà Châu biết và bà Châu đồng ý mua. Công đến gặp bà Châu, đưa 3 bản photo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Đỗ Ngọc Diễm, Trần Văn Tám và Nguyễn Thị Hai (mẹ của Trần Văn Chín) và nói là đất của Công.
Công và bà Châu thỏa thuận giá mua bán đất là 125.000.000 đồng/1000m2, 10 ngày sau làm hợp đồng và nhận tiền cọc.
Ngày 21/10/2011, Công đến Công ty TNHH Tuấn Minh gặp bà Châu. Bà Châu yêu cầu Công phải có tài sản thế chấp làm tin thì mới giao tiền cọc cho Công.
Lúc này, Công đưa cho bà Châu giữ 1 Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 605932295100481 do UBND thành phố Phan Thiết cấp ngày 29/4/2008 cho Phan Thanh Thương.
Bà Châu tin tưởng nên ký Hợp đồng đặt cọc về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất với Công, nội dung: Chuyển quyền sử dụng đất với tổng diện tích 10.337m2, giá 125.000 đồng/m2, tổng cộng 1.297.125.000 đồng.
Công ty TNHH Tuấn Minh đặt cọc trước số tiền 200.000.000 đồng, Công giao cho bà Châu giữ bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Phan Thanh Thương đứng tên.
Công có trách nhiệm sang tên quyền sử dụng đất qua cho bà Châu, chuyển mục đích sử dụng đất từ đất lúa sang đất xây dựng, thời gian chậm nhất là 60 ngày kể từ ngày lập hợp đồng.
Giả chữ ký, tự soạn hợp đồng để chiếm đoạt tiền
Bị cáo Công khai nhận thêm, sau khi ký hợp đồng, đã nhận tiền đặt cọc 200.000.000 đồng của Công ty TNHH Tuấn Minh.
Đầu tháng 11/2011, Công tự soạn thảo 3 Hợp đồng đặt tiền cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 22/10/2011 và giả chữ ký của Đỗ Ngọc Diễm, Trần Văn Tám, Nguyễn Thị Hai ký vào hợp đồng. Công đem photo rồi đưa cho bà Châu.
Từ ngày 21/10/2011 đến ngày 7/11/2011, bà Châu đã 3 lần đưa tiền đặt cọc cho Công, mỗi lần 50.000.000 đồng. Như vậy, Công ty TNHH Tuấn Minh đã đưa cho Công tổng cộng 350.000.000 đồng.
Đến thời hạn 60 ngày theo hợp đồng đặt cọc, bà Châu gọi điện cho Công để thực hiện theo hợp đồng. Công tự soạn thảo công văn ngày 8/1/2012 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận về việc cho phép chuyển đổi mục đích quyền sử dụng đất của Nguyễn Thị Hai, Trần Văn Tám và Đỗ Ngọc Diễm, thời hạn được xét duyệt lập hồ sơ chuyển đổi mục đích Quyền sử dụng đất kể từ ngày 25/2/2012.
Công còn tự cắt chữ ký và con dấu của Huỳnh Giác – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận trên 1 văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận, dán vào văn bản do Công tự soạn thảo, photo, rồi đem đến Công ty TNHH Tuấn Minh đưa cho Châu.
Đến tháng 2/2012, bà Châu phát hiện 3 hợp đồng đặt tiền cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với Đỗ Ngọc Diễm, Trần Văn Tám, Nguyễn Thị Hai và Công văn của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận là giả nên làm đơn tố cáo, yêu cầu Công hoàn trả lại số tiền 350.000.000 đồng.
Quá trình điều tra, Công đã thừa nhận hành vi phạm tội. Cơ quan điều tra Công an Tp.Phan Thiết đã ra Quyết định khởi tố vụ án, Quyết định khởi tố bị can đối với Trần Minh Công. Công bỏ trốn khỏi địa phương, đến ngày 24/5/2022, Công bị bắt theo Quyết định truy nã.
Bản án cho kẻ chiếm đoạt tài sản
Hội đồng xét xử nhận định, bị cáo Trần Minh Công đã có hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt số tiền 350.000.000 đồng của Công ty TNHH Tuấn Minh do Tạ Thị Mỹ Châu làm Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật, rồi bỏ trốn thì bị phát hiện.
Vì vậy, hành vi của Trần Minh Công rất nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác, gây mất trật tự trị an tại địa phương, do đó cần xử lý bằng biện pháp hình sự để răn đe giáo dục và phòng ngừa tội phạm.
Đại diện Viện kiếm sát cho rằng, bị cáo Trần Minh Công đã thành khẩn khai báo tại phiên toà. Đồng thời có cha ruột là liệt sĩ, mẹ ruột được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhì; tác động gia đình bồi thường cho bị hại nên được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự nên áp dụng khoản 1 điều 54 Bộ luật Hình sự, cho bị cáo được hưởng mức hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng.
Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trần Minh Công 6 năm 6 tháng tù giam.