Phát biểu tại Hội nghị tổng kết việc triển khai, thực hiện Quyết định số 1267 ngày 29/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án xây dựng Bộ pháp điển, ông Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL cho biết qua gần 9 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1267, cho đến nay các bộ, ngành đã hoàn thành pháp điển 263/271 đề mục, đạt tỷ lệ hơn 97% khối lượng. Bộ pháp điển, rà soát, làm “sạch” hơn 8 nghìn văn bản trên tổng gần 9 nghìn văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, góp phần nâng cao tính thống nhất, minh bạch của hệ thống pháp luật.
Bộ pháp điển được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử pháp điển do Nhà nước giữ bản quyền và giao Bộ Tư pháp thống nhất quản lý, duy trì hoạt động. Đối với các trường hợp có QPPL mới, hoặc có QPPL bị hủy bỏ, bãi bỏ thuộc đề mục đã có trong Bộ pháp điển, các bộ, ngành có liên quan xác định QPPL tương ứng trong đề mục, thực hiện pháp điển QPPL mới, bỏ lại QPPL đã hết hiệu lực và gửi hồ sơ đến Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp thực hiện cập nhật vào Bộ pháp điển theo quy định.
Ông Nguyễn Duy Thắng khẳng định pháp điển là công tác không thể thiếu trong công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Thực tế triển khai công tác pháp điển thời gian qua đã cho thấy những kết quả đáng khích lệ, giúp bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật.
Ông Thắng khẳng định, thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, khắc phục kịp thời những bất cập khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện. Phải tiếp tục nâng cao chất lượng Bộ pháp điển phục vụ tối đa nhu cầu khai thác, tra cứu các quy định pháp luật hiện hành của các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Gắn chất lượng, hiệu quả của công tác pháp điển với các hoạt động xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình cập nhật, khai thác Bộ pháp điển.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Duy Tiến, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội cũng cho rằng thông qua hoạt động của pháp điển, các cơ quan tập hợp, rà soát, sắp xếp các QPPL theo một trật tự logic, khoa học nên có thể giúp chúng ta dễ dàng phát hiện được khoảng trống, “lỗ hổng” pháp luật để kịp thời bổ sung những quy định mới bằng việc ban hành mới, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế từng phần nội dung văn bản quy phạm pháp luật.
Hiện nay, hệ thống pháp luật ở cấp Trung ương có khoảng gần 9 nghìn văn bản QPPL đang còn hiệu lực do hơn 30 cơ quan/người có thẩm quyền ban hành với gần 20 hình thức văn bản khác nhau. Với hệ thống văn bản tương đối đồ sộ, phức tạp, nhiều tầng nấc như vậy, dễ tạo ra các khoảng trống, “lỗ hổng” pháp luật - các quan hệ xã hội chưa có QPPL cụ thể, cần thiết điều chỉnh.
Ông Tiến nhấn mạnh, bằng cách này, Nhà nước cũng thể hiện được vai trò của mình trong việc điều chỉnh, điều hòa các quan hệ xã hội trong sự ổn định và phát triển, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật.
Mỹ Sao