Tại một hội nghị ở thủ đô Bắc Kinh ngày 25-12, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc (TQ) Vương Nghị đánh giá năm 2022 đã mang tới nhiều “thành tựu mang tính lịch sử” cho TQ, nước này thành công vượt qua nhiều thách thức lớn trong môi trường toàn cầu. Bước sang năm mới, ông Vương nhấn mạnh TQ sẽ có nhiều thay đổi trong chính sách ngoại giao để phù hợp với tình hình mới khi chiến lược phòng chống dịch COVID-19 đã trở nên cởi mở hơn, theo tờ South China Morning Post.
Tăng cường quan hệ với các nước
Ông Vương cho biết định hướng ngoại giao năm 2023 của TQ sẽ bao gồm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược “vững chắc như đá” với Nga, cải thiện quan hệ với các nước châu Âu và các nước châu Á. Theo giới chuyên gia, quan hệ giữa TQ với Nhật, Úc và một số nước châu Âu gần đây nồng ấm hơn sau nhiều tháng căng thẳng về hàng loạt vấn đề từ Đài Loan, Tân Cương đến xung đột Nga - Ukraine.
TQ lúc này vẫn muốn tiếp tục duy trì và củng cố quan hệ chiến lược với Nga. Mục tiêu này năm qua trên thực tế chỉ bị gián đoạn do chiến sự Nga - Ukraine, chứ cuộc xung đột không làm thay đổi bản chất quan hệ giữa hai nước. Nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ nỗ lực để vượt qua sự gián đoạn đó bắt đầu từ năm sau.
ThS SOURABH GUPTA,
Viện nghiên cứu Trung Quốc - Mỹ (Mỹ)
TQ dự kiến sẽ tiến hành nhiều cuộc trao đổi cấp cao với châu Âu trong năm 2023, sau chuyến thăm Bắc Kinh của Thủ tướng Đức Olaf Scholz vào tháng 11 và của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel vào tháng 12.
Với Nhật, ông Vương cảnh báo nước này “tránh đảo ngược chính sách” ngay trước thềm chuyến thăm TQ của Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi vào cuối tháng 1. Về quan hệ với Ấn Độ, ông Vương khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác phát triển quan hệ song phương, bất chấp việc gần đây binh sĩ hai nước lại đụng độ ở khu vực biên giới.
Về cuộc xung đột Nga - Ukraine, TQ năm sau vẫn sẽ giữ nguyên lập trường “không can thiệp vào chuyện nội bộ của các bên”, song song với việc siết chặt quan hệ với Nga. Mục tiêu của TQ vẫn là “chống lại chủ nghĩa bá quyền và ngăn chặn một cuộc chiến tranh lạnh mới” - theo ông Vương.
PGS Zhao Ma thuộc ĐH Washington in St. Louis (Mỹ) nhận định những tuyên bố của ông Vương về chính sách đối ngoại của TQ năm 2023 là một nỗ lực nhằm xây dựng hình ảnh tích cực của đất nước trên trường quốc tế.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gặp nhau tại hội nghị ngoại trưởng G20 ở Bali (Indonesia) giữa năm 2022. Ảnh: REUTERS |
Quan hệ Mỹ - Trung 2023 sẽ nhiều sóng gió
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự kiến sẽ đến Bắc Kinh vào đầu năm sau, là quan chức Mỹ cấp cao nhất đến thăm TQ trong hai năm trở lại đây, theo South China Morning Post. Trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink tuần trước nói rằng ông kỳ vọng chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken tới TQ sẽ là bước tiếp theo giúp hai bên thúc đẩy các cuộc thảo luận nhằm ổn định quan hệ song phương.
Tuy nhiên, những ẩn ý đằng sau các phát ngôn của ông Vương dường như trái ngược với chia sẻ của ông Kritenbrink; và theo giới quan sát, quan hệ Mỹ - Trung được dự báo sẽ vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2023.
Dù đồng ý với người đồng cấp Blinken về sự cần thiết phải duy trì các kênh liên lạc song phương, ông Vương nhấn mạnh rằng Bắc Kinh vẫn sẽ kiên quyết phản kháng lại ý đồ “bao vây và chèn ép” của Mỹ. Ông Vương chỉ trích cách tiếp cận của Mỹ với TQ hiện tại là mang tính chất “bắt nạt” và Mỹ cần gấp rút “thay đổi hướng đi”.
“Việc quan hệ Mỹ - Trung trở nên khó khăn và nghiêm trọng như lúc này thực chất là hậu quả của chính sách xem TQ là đối thủ cạnh tranh chính mà Mỹ đưa ra. Cạnh tranh cường quốc không lúc nào có lợi. Hợp tác là điều cần thiết, không phải lựa chọn” - ông Vương nêu ý kiến.
Tuy nhiên, theo TS Craig Singleton thuộc tổ chức Quỹ Bảo vệ các nền dân chủ (Mỹ), quan hệ Mỹ - Trung có thể sẽ ổn định phần nào trong đầu năm 2023 vì TQ cần phải giữ ổn định về mặt ngoại giao nhằm xây dựng hình ảnh tích cực trên toàn cầu. Bên cạnh đó, cả Mỹ và TQ đều không có các sự kiện chính trị lớn vào năm tới như đại hội đảng hay bầu cử nên chính quyền hai bên sẽ không phải chịu nhiều áp lực từ trong nước.•
Ông Putin và ông Tập chuẩn bị hội đàm trực tuyến
Ngày 29-12, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình sẽ có cuộc hội đàm trực tuyến vào ngày 30-12 (giờ địa phương) nhằm trao đổi các vấn đề song phương và khu vực, theo hãng tin Reuters.
Theo ông Peskov, “trước hết, hai nhà lãnh đạo sẽ trao đổi về mối quan hệ song phương Nga - TQ”, ngoài ra hai lãnh đạo cũng sẽ trao đổi về các vấn đề cấp bách trong khu vực trên “tinh thần đối tác chiến lược thực sự”.
Ngày 21-12, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev có chuyến thăm bất ngờ tới Bắc Kinh và diện kiến ông Tập. Hai ông đã thảo luận về quan hệ đối tác chiến lược “không giới hạn” của hai nước và về xung đột Nga - Ukraine. Moscow đã tìm cách thắt chặt quan hệ kinh tế, chính trị và an ninh với Bắc Kinh sau khi Tổng thống Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine hồi cuối tháng 2.