Ngày 30-12, giá vàng trong nước bất ngờ giảm sốc, diễn biến hoàn toàn trái ngược với đà tăng mạnh của thị trường kim loại quý thế giới.
Đầu giờ chiều nay, giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 65,7 triệu đồng/lượng (mua) và 66,5 triệu đồng/lượng (bán), giảm 200.000 đồng/lượng so với giá đóng cửa chiều qua.
Trong khi đó, giá vàng miếng SJC tại Tập đoàn vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) lại tăng thêm 100.000 đồng/lượng so với hôm qua, lên 65,9 triệu đồng/lượng (mua) và 66,7 triệu đồng/lượng (bán).
Riêng tại Công ty vàng bạc đá quý Mi Hồng còn điều chỉnh giảm giá vàng miếng tới 300.000 đồng/lượng (mua) và giảm 250.000 đồng/lượng (bán) so với hôm qua, niêm yết giá giao dịch ở mức 65,75 – 66,5 triệu đồng/lượng.
Đối với các loại vàng nhẫn 9999 tại Mi Hồng chỉ thấp hơn 100.000 đồng/lượng so với giá cuối ngày hôm trước, neo giá mua ở mức 53 triệu đồng/lượng và bán ra 53,8 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, tại PNJ, giá vàng nhẫn tròn trơn 24K lại được cộng thêm 100.000 đồng mỗi lượng, giá mua – bán lên mức 52,9 – 54 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng thế giới bật lên 1.822USD/ounce, tăng khoảng 14 USD/ounce so với giá mở cửa hôm qua. Quy đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng, kim loại quý tương đương 52 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Giá vàng bật tăng do nhà đầu tư bán tháo đồng USD.
Như vậy, giá vàng thế giới đang thấp hơn giá vàng miếng SJC khoảng 14,6 triệu đồng/lượng và rẻ hơn 2 triệu so với vàng nhẫn tròn trơn.
Nhìn chung thị trường vàng đã có một kết thúc vững chắc trong năm 2022 và nhiều nhà nghiên cứu thị trường tin rằng đây là động lực thúc đẩy giá vàng bật tăng trong năm tới có thể bật lên mốc 1.900 USD/ounce.
Diễn biến của giá vàng trong năm tới sẽ phụ thuộc vào chính sách tiền tệ của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và tác động của nó đối với đồng USD. Với bối cảnh kinh tế bất ổn vẫn tiếp tục gia tăng và Fed giữ quan điểm ôn hòa, điều này sẽ làm suy yếu USD, nhờ vậy nhu cầu trú ẩn an toàn đối với vàng sẽ tăng lên.