Ảnh chụp con tàu vũ trụ Soyuz của Nga - Ảnh: NASA
Ngày 29-12, NASA đang xem xét khả năng sử dụng tàu vũ trụ Crew Dragon của công ty SpaceX để đưa các phi hành gia trên tàu Soyuz MS-22 của Nga đang gặp trở ngại trở về trái đất, theo hãng tin Reuters.
Chuyến đi này dự kiến đưa 2 phi hành gia người Nga là Sergey Prokopyev và Dmitri Petelin cùng 1 phi hành gia người Mỹ là Frank Rubio về trái đất vào đầu năm sau.
Bà Sandra Jones - phát ngôn viên của NASA, nói với hãng tin Reuters: “Chúng tôi đã thảo luận với phía SpaceX về việc cho 3 phi hành gia của con tàu gặp nạn trở về trên tàu vũ trụ Crew Dragon do công ty này sản xuất".
Hiện phía SpaceX vẫn chưa đưa ra bình luận về vấn đề này.
Được biết, Crew Dragon là tàu do hãng công nghệ vũ trụ SpaceX sản xuất, có hình viên nan với sức chứa một phi hành đoàn 4 người. Hồi tháng 10 vừa qua, Crew Dragon đã đưa 4 phi hành gia gồm 2 người từ NASA, 1 người từ Nga và 1 người Nhật Bản lên ISS, và hiện họ vẫn đang làm việc tại đây.
Đến nay NASA vẫn chưa công bố biện pháp cụ thể để đưa 3 phi hành gia trên con tàu gặp sự cố của Nga trở về. Theo dự đoán, có thể phía công ty SpaceX sẽ tìm cách tăng sức chứa của tàu Crew Dragon, hiện là 4 người, hoặc phóng thêm một con tàu không người khác lên để giải cứu các phi hành gia này.
Ngoài ra, NASA cũng cho thấy sự thận trọng trong việc đề xuất một công ty của Mỹ như SpaceX tham gia giải cứu các phi hành gia trong một sứ mệnh do Nga dẫn đầu.
Cùng lúc, các kỹ sư hàng không ở thủ đô Matxcơva của Nga cũng xem xét việc gửi một chiếc tàu Soyuz khác để đón các phi hành gia gặp nạn.
Tuy nhiên, nếu Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nga (Roscosmos) không thể phóng một con tàu Soyuz khác thì phía NASA sẽ cân nhắc đưa ra một kế hoạch bổ sung để có thể đưa các phi hành gia trở về trái đất an toàn.
Trước đó, hôm 14-12, chuyến đi bộ ngoài không gian của Nga đã bị hủy bỏ vào phút chót do tàu du hành Soyuz MS-22 xảy ra sự cố rò rỉ ở vòng làm mát bên ngoài ở khu vực phía sau tàu.
Ông Joel Montalbano - giám đốc chương trình ISS của NASA, cho biết NASA và Roscosmos đang điều tra về nguyên nhân của sự cố. Theo dự đoán, nguyên nhân dẫn đến sự cố rò rỉ có thể đến từ một vết thủng do đồng hồ đo, một mảnh vỡ do va chạm hoặc lỗi phần cứng trên chính thân tàu Soyuz.
Việc tìm ra nguyên nhân của sự cố rò rỉ cũng sẽ ảnh hưởng đến các quyết định về phương thức tốt nhất để giải cứu các phi hành gia.
Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos cho biết họ đang xem xét gửi một tàu vũ trụ trống đến Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) để đưa ba phi hành gia về nhà trước thời hạn, sau khi tàu Soyuz của họ bị rò rỉ chất làm mát.
Xem thêm: mth.23010313103212202-iougn-uuc-ort-oh-hcac-mit-ym-oc-us-pag-agn-urt-uv-uat/nv.ertiout