Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn họp báo thông tin tình hình ngành nông nghiệp - Ảnh: N.AN
Ngày 30-12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức họp báo thông tin về kết quả công tác năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 với sự chủ trì của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến.
Năm 2022 trong bối cảnh thị trường có nhiều khó khăn nhưng toàn ngành đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm gần đây với 3,36%, kim ngạch xuất khẩu đạt 53,22 tỉ USD, thặng dư thương mại lên tới 8,5 tỉ USD.
Theo ông Huỳnh Tấn Đạt - phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, thị trường Trung Quốc là thị trường quan trọng với ngành nông nghiệp Việt Nam nên thường xuyên phối hợp các chính sách để thúc đẩy hợp tác.
Trong đó, đáng chú ý nhất là mới đây ta đã ký các nghị định thư để đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch khoai lang, sầu riêng, chanh leo… sang nước này.
Cùng với việc Trung Quốc sẽ thay đổi biện pháp phòng chống dịch, hiện các đơn vị liên quan đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết, tập huấn và hướng dẫn các điều kiện để triển khai nghị định thư mà Việt Nam ký kết.
Ông Nguyễn Văn Long, cục trưởng Cục Thú y, cho biết việc khai mở thị trường Trung Quốc đang triển khai hiệu quả. Trong đó với sản phẩm sữa, đã có 9 nhà máy thuộc 7 công ty sản xuất đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, với mức tăng trưởng lên tới 50%.
Ngoài ra, việc ký nghị định thư xuất khẩu tổ yến, bộ cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện và hiện đã có doanh nghiệp gửi hồ sơ để xin hướng dẫn. Phấn đấu năm 2023 có những lô hàng đầu tiên xuất vào thị trường này.
Đối với sản phẩm chăn nuôi, ông Long cho biết cục đã phối hợp cơ quan có thẩm quyền để xây dựng vùng an toàn dịch lở mồm long móng. Hai bộ ngành của hai nước sẽ ký kết, tạo thuận lợi cho sản xuất và xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi (thịt heo) sang Trung Quốc. Đồng thời, bộ cũng đang đàm phán để xuất khẩu thịt gà, sản phẩm chế biến…
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Trung Quốc là thị trường tiềm năng với 1,4 tỉ dân, chiếm 19,2% trong cơ cấu thị trường xuất khẩu, nên còn nhiều tiềm năng, dư địa. Vì vậy, Thủ tướng đã rất quan tâm, có chỉ đạo để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sang Trung Quốc.
Nhờ vậy, trong năm 2022 khi quả sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này, bằng nhiều biện pháp nỗ lực, chỉ trong một tháng đã đạt tăng trưởng 4.100%. Tới đây, nhiều sản phẩm được đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch nhờ vào việc ký kết các nghị định thư.
Khuyến cáo doanh nghiệp bổ sung thông tin mã số xuất khẩu
Thông tin về việc triển khai lệnh 248, 249 với sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, ông Lê Thanh Hòa - phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Việt Nam, kiêm giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam - cho biết Tổng cục Hải quan Trung Quốc phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật, đã cung cấp 2.454 mã số xuất khẩu, đạt tỉ lệ mã được cấp lớn so với các quốc gia khác.
Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp được cấp mã vẫn chưa hoàn thiện các hồ sơ để chứng minh quản lý giám sát chế biến.
Theo quy định, đến ngày 30-6-2023, doanh nghiệp cần hoàn thiện hồ sơ, cập nhật thông tin trên Cổng thông tin của Hải quan Trung Quốc. Sau thời gian này nếu không hoàn thiện hồ sơ, cơ quan hải quan nước này sẽ rà soát và loại bỏ danh sách.
Từ ngày 8-1-2023, cơ quan hải quan Trung Quốc sẽ gỡ bỏ tất cả các biện pháp xét nghiệm axit nucleic phòng chống COVID-19 tại cửa khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu, bao gồm cả hàng hóa đông lạnh.
Xem thêm: mth.54440314103212202-oeh-tiht-ohc-peit-nahp-mad-couq-gnurt-gnas-pas-gnal-iaohk-ney-ot/nv.ertiout