Sáng 30/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã tổ chức họp báo thông tin về kết quả sản xuất ngành nông nghiệp năm 2022 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến.
Tại buổi họp báo, thông tin thêm về giải pháp đối với thị trường và công tác sản xuất nông nghiệp trước dự báo khó khăn trong năm 2023, ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) chia sẻ: “Dưới sự quyết tâm của toàn ngành, thường xuyên chủ động trong công tác phối hợp, thời gian qua nước ta đã ký được rất nhiều nghị định thư đưa nông sản tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc”.
Bên cạnh đó, hiện nay việc kiểm soát dịch bệnh đã phần nào được đồng bộ, minh bạch, tạo ra lợi thế cho doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu.
“Sau khi nhận được thông tin ngày 8/1/2023 Trung Quốc mở cửa xuất khẩu trở lại, chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo, điều hành sắp xếp lại nhân sự tổ chức, làm sao đảm bảo đủ nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp khi Trung Quốc mở cửa lại xuất khẩu", ông Đạt cho biết.
Ông Bá Anh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản nhận định: “Những năm vừa qua, tình hình xuất khẩu vào Trung Quốc nhìn chung rất thuận lợi. Năm vừa qua, mặc dù gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, nhưng thuỷ sản Việt xuất khẩu vào Trung Quốc vẫn tăng mạnh mẽ, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản sang Trung Quốc gần như tăng gấp đôi”.
Theo ông Bá Anh, việc mở cửa trở lại đường biên giới từ ngày 8/1/2023 sẽ có rất nhiều thuận lợi, đặc biệt với các mặt hàng thuỷ sản. Năm 2022 vừa qua, toàn bộ năm vừa rồi hàng tươi sống không thể đi trên đường bộ, đặc biệt là các mặt hàng thuỷ sản cao cấp như tôm hùm tươi, cua,... Vậy nên khi mở cửa xuất khẩu các mặt hàng này sẽ tăng mạnh.
Thứ hai, sức tiêu thụ của thị trường Trung Quốc trong năm vừa qua đã bị ảnh hưởng bởi chính sách Zero Covid, do đó các cửa hàng hầu như đều đóng cửa. Vậy khi mở cửa trở lại, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng tươi sống sẽ tăng, tạo điều kiện cho các nước xuất khẩu thuỷ sản tươi sống như Việt Nam.
Bên cạnh đó, những mặt hàng đi đường biển, bằng container trước đây khi cập cảng Trung Quốc sẽ gặp tình trạng ách tắc vì kiểm tra Covid-19 trên thành container và bao bì sản phẩm. Nếu phát hiện Covid-19 thì sẽ cảnh báo và giữ lô hàng đó tại cảng trong vòng 2 tuần để khử khuẩn đồng thời đình chỉ doanh nghiệp xuất khẩu trong một thời hạn nhất định.
Với những chính sách mới của Covid-19 thì toàn bộ hàng đi đường biển sẽ giảm bớt khó khăn trong nhập khẩu tại Trung Quốc, đồng thời hàng hoá sẽ lưu thông tốt hơn.
Cập nhật về các quy định an toàn thực phẩm, ông Lê Thanh Hoà, Giám đốc Văn Phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT) chia sẻ, sau gần một năm Lệnh 248 và Lệnh 249 của Trung Quốc có hiệu lực, tính đến ngày 5/12/2022, tại Việt Nam đã có 2.426 mã sản phẩm nông, thủy sản được cấp phép nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hoàn thành hồ sơ chứng minh quản lý rà soát, chế biến. Từ nay đến 30/6/2023 các doanh nghiệp cần nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ và cập nhật trên cổng thông tin Hải Quan Trung Quốc. Sau thời hạn trên, nếu doanh nghiệp chưa hoàn thiện bổ sung hồ sơ, mã sản phẩm sẽ bị đưa ra khỏi danh sách của Hải quan Trung Quốc.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, thị trường Trung Quốc là thị trường rất quan trọng, không chỉ thuỷ sản mà nông sản cũng tăng rất mạnh trong thời gian qua. Điển hình là sau khi Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng có hiệu lực, chỉ trong 1 tháng, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc tăng 4.120%.
Trao đổi về quyết tâm gỡ thẻ vàng IUU, ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện nay Bộ đã xây dựng kế hoạch 180 ngày thực hiện chống khai thác IUU theo khuyến nghị của EC đến tháng 5/2023.
Trong đó, đặc biệt chú ý 4 nội dung trọng tâm đó là cương quyết trong xử phạt tàu cá vi phạm kết hợp vận động, tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân trong quá trình đánh bắt. Bên cạnh đó, nghiêm túc chống tàu cá vi phạm đánh bắt ở vùng biển nước ngoài; đảm bảo thực hiện kiểm soát, đăng kiểm tàu cá; công khai, minh bạch trong kiểm soát tàu cá kiểm soát lên, xuống bến.
Trước thực tế trên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “Cơ quan chức năng chưa xử lý dứt điểm hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Chưa hoàn thành việc đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; chưa cập nhật đầy đủ dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia”.
Bên cạnh đó, việc thực thi pháp luật và xử phạt vi phạm hành chính còn yếu kém, chưa đảm bảo tính răn đe của pháp luật, thiếu thống nhất, đồng bộ. Có địa phương thì xử phạt, có địa phương lại chỉ tuyên truyền nhắc nhở.
Chính vì vậy, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đặc biệt lưu ý các địa phương nhanh chóng rà soát, thống kê số lượng tàu cá, hoàn thành việc cấp giấy phép khai thác thủy sản, đăng ký, đăng kiểm, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá.
Các cảng cá rà soát, thống kê toàn bộ các điểm tàu cá cập bến; theo dõi, giám sát toàn bộ sản lượng thủy sản khai thác đảm bảo truy xuất được nguồn gốc, không vi phạm IUU, xử lý nghiêm các tàu cá khai thác vùng khơi không cập cảng chỉ định theo quy định.