"Nhiều vướng mắc về pháp lý đất đai, giao đất, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất, tính giá đất, trình tự thủ tục đầu tư... đã được Tổ công tác của Thủ tướng về thị trường bất động sản nhận diện"- thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết như vậy tại buổi họp báo cuối năm do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 30-12.
Ông Sinh đánh giá khó khăn lớn nhất của lĩnh vực bất động sản lúc này là doanh nghiệp cùng lúc gặp vấn đề về vốn, tín dụng, trái phiếu. Nhiều doanh nghiệp buộc phải dừng thực hiện dự án, nhiều nhà thầu cho công nhân nghỉ việc.
"Tổ công tác đề nghị địa phương giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn. Ngoài ra, chúng tôi kiến nghị Chính phủ làm việc với ngân hàng nới room tín dụng"- ông Sinh nói.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh. Ảnh: TP |
Đánh giá việc Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng tuần đầu tháng 12, ông Sinh cho biết động thái này đã bước đầu tháo gỡ khó khăn nguồn vốn cho nền kinh tế trong đó có lĩnh vực bất động sản. Cùng với đó, Thủ tướng đã chỉ sửa đổi Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp, gỡ nút thắt cho kênh huy động vốn này.
Cũng từ góc nhìn Tổ công tác của Chính phủ, ông Sinh cho rằng nguyên nhân khó khăn còn bắt nguồn từ chính các doanh nghiệp. Khi thị trường tốt, nhiều đơn vị đã ồ ạt triển khai cùng lúc nhiều dự án mà không chú ý tới khả năng cân bằng nguồn lực. Vậy nên khi thị trường đi xuống thì cùng lúc doanh nghiệp đến thời điểm đáo hạn nợ trái phiếu, dẫn đến mất kiểm soát.
“Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị các doanh nghiệp phải rà soát lại, cơ cấu sản phẩm và dự án bất động sản, bán bớt để tập trung vào dự án đang triển khai. Đây là giải pháp ngắn hạn Tổ công tác đưa ra cho doanh nghiệp. Còn về lâu dài, không nên lấy vốn dự án này sử dụng cho dự án khác, làm mất cân bằng tài chính" - ông Sinh nói.
Trong lúc lĩnh vực bất động sản gặp khó khăn thì đề án 1 triệu nhà xã hội của Bộ Xây dựng có thể xem là biện pháp hỗ trợ. Tuy nhiên, đề án có nhiều ý nghĩa cả về kinh tế và xã hội này cũng gặp một số vướng mắc về cơ chế, chính sách. Trong đó có những vướng mắc thuộc thẩm quyền Chính phủ, liên quan đến vấn đề giao đất, lựa chọn đầu tư, ưu đãi, đối tượng thụ hưởng, vay vốn; hoặc thuộc thẩm quyền Quốc hội, cần sửa Luật Nhà ở.
"Nhà ở xã hội quan trọng quỹ đất. Quy định hiện hành là dự án bất động sản thương mại phải dành 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội thì tính khả thi không cao. Chúng tôi đề xuất theo hướng giao cho UBND địa phương bố trí quỹ đất nhà ở xã hội ngay từ khâu lập quy hoạch" - ông Sinh nói.