Sáng 30/12, TAND TP HCM tiếp tục công bố bản án về trách nhiệm bồi thường của vợ chồng Nguyễn Thái Luyện đối với 4.548 bị hại. Buổi tuyên án được phát trực tiếp trên cổng thông tin điện tử của TAND TP HCM, bị hại và những người liên quan vụ án đều có thể theo dõi trực tuyến. Khu vực dành cho người tham dự phiên xử tại sân tòa rộng cả nghìn m2 chỉ lác đác vài bị hại, người thân của bị cáo cùng cảnh sát.
Tòa xác định, vụ án Nguyễn Thái Luyện, 36 tuổi, Chủ tịch Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba (địa ốc Alibaba) và đồng phạm có hơn 4.500 bị hại, với tổng số tiền chiếm đoạt hơn 2.446 tỷ đồng. Đối với những người liên quan chưa được xem xét trong bản án này, một số bị cáo nhận mình "cũng là bị hại của địa ốc Alibaba" nhưng không cung cấp được các hồ sơ chứng từ, HĐXX sẽ tách ra để họ khởi kiện bằng vụ án dân sự khác.
Sau hơn ba giờ công bố bản án, HĐXX đã đưa ra phán quyết đối với khoảng 1.000 khách hàng thuộc nhiều dự án của địa ốc Alibaba. Số tiền các bị hại được bồi thường từ gần 100 triệu đến vài tỷ đồng.
Theo phụ lục II bản án được HĐXX công bố, vụ án có 58 người có quyền, nghĩa vụ liên quan sẽ được nhận lại đất nhưng phải tiếp tục nộp tiền còn thiếu vào cơ quan thi hành án để thực hiện hợp đồng. Họ là những khách hàng nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp với cá nhân Nguyễn Thái Luyện; Nguyễn Thái Lực, Nguyễn Thái Lĩnh (em trai Luyện) và Trịnh Minh Pháp (cựu giám đốc Công ty 108) mà không thông qua các pháp nhân - tức không phải bị hại trong vụ án.
Nguồn gốc số đất trên dù từ tiền Công ty Alibaba chiếm đoạt của các bị hại, song thời điểm ký hợp đồng các thửa đất đã có giấy chứng nhận hợp pháp, thỏa thuận tự nguyện, ngay tình, khách hàng đã thanh toán 50-100%... Do vậy, HĐXX chấp nhận yêu cầu của 58 người này, được tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng để nhận đất.
Đối với những người chưa thanh toán 100% hợp đồng, cần phải nộp số tiền còn thiếu vào tài khoản của cơ quan thi hành án. Sau đó, tài sản trên sẽ được cơ quan thi hành án giải tỏa kê biên, hủy bỏ ngăn chặn giao dịch để đăng bộ, sang tên theo quy định.
Tòa tạm nghỉ, chiều nay tiếp tục công bố phán quyết về việc buộc các bị cáo bồi thường cho những bị hại còn lại.
Bản án sơ thẩm buộc Nguyễn Thái Luyện và Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) liên đới bồi thường toàn bộ số tiền chiếm đoạt của bị hại (được nêu chi tiết trong các phụ lục I, II của bản án) - tương đương 2.400 tỷ đồng.
Quá trình bồi thường cho các bị hại nếu còn dư tiền sẽ tiếp tục được kê biên để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ trong những vụ án tiếp theo liên quan đến Công ty Alibaba.
Về trách nhiệm hình sự, tòa tuyên phạt Luyện mức án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Thanh Mai 20 năm tù về cùng tội danh, 12 năm tù về tội Rửa tiền, tổng hợp hình phạt là 30 năm tù (mức án cao nhất của hình phạt tù có thời hạn).
Bị cáo Nguyễn Thái Lực bị tuyên 27 năm tù; Nguyễn Thái Lĩnh 17 năm; các bị cáo khác nhận 10-19 năm tù. Riêng bị cáo Huỳnh Kim Thắng (đang được tại ngoại để chữa bệnh ung thư) bị phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Theo HĐXX, hồ sơ vụ án và kết quả thẩm vấn công khai cho thấy có đủ căn cứ xác định Luyện phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản như cáo buộc của VKS. Từ tháng 5/2016, Luyện (cử nhân luật) thành lập Công ty địa ốc Alibaba với vốn điều lệ một tỷ đồng. Hai năm sau, công ty thay đổi vốn lên mức 1.600 tỷ đồng, song con số này chỉ tăng trên giấy tờ. Với vai trò Chủ tịch HĐQT và lợi thế hiểu biết Luyện tìm cách lách luật, tạo dựng lên hệ thống kinh doanh các dự án bất động sản "ma".
Luyện thành lập 22 pháp nhân, giao cho người thân và nhân viên đứng tên, trong đó sử dụng 12 công ty với tư cách là chủ đầu tư 58 dự án bất động sản không có thật tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận; tự phân lô, tách thửa trái pháp luật; quảng cáo gian dối để bán cho hàng nghìn người.
Toàn bộ dự án được vẽ trái phép trên diện tích đất nông nghiệp đặc biệt lớn mà Công ty Alibaba chuyển nhượng cho khách hàng, không phải là đất thổ cư như nội dung thể hiện trong hợp đồng chuyển nhượng. Bằng các thủ đoạn này, Chủ tịch địa ốc Alibaba và đồng phạm là nhân viên dưới quyền đã chiếm đoạt gần 2.400 tỷ đồng của 4.560 khách hàng.
Trong vụ án này Luyện có vai trò xuyên suốt, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của công ty. Hành vi của bị cáo không chỉ chiếm đoạt tiền của các bị hại mà còn phá vỡ quy hoạch của địa phương nên bị cáo phải chịu trách nhiệm cao nhất.
Tòa cũng kiến nghị cơ quan điều tra các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu (có dự án "ma" của Nguyễn Thái Luyện) cần làm rõ vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tách thửa, nếu có sai phạm xử lý theo quy định của pháp luật; kiến nghị Công an TP HCM tiếp tục làm rõ và thu hồi 9 tỷ đồng mà bị cáo Mai đã chuyển cho hai cá nhân vì đây là tiền phạm tội.
Đối với yêu cầu của những khách hàng là bị hại vụ án - ký hợp đồng mua đất nền thổ cư của Công ty địa ốc Alibaba, HĐXX bác yêu cầu xin nhận lại đất. Theo tòa, qua xác minh tại thời điểm ký kết hợp đồng cho tới nay thì các khu đất được cho là vị trí lập dự án của Alibaba không tồn tại bất kỳ dự án nhà ở nào, đồng thời hiện trạng đều là đất nông nghiệp, thậm chí là đất trồng lúa, đất rừng sản xuất... và theo quy hoạch sử dụng đất tại địa phương thì nhiều khu đất không được quy hoạch là đất ở. Do đó không có căn cứ, chấp nhận yêu cầu tiếp tục thực hiện những giao dịch này.
Hải Duyên
Xem thêm: lmth.1634554-neyul-iaht-neyugn-mohn-auc-aum-tad-ial-nahn-coud-iougn-85/ten.sserpxenv