Các con tôi về quê ngoại mê tít được cùng gói bánh chưng ngày Tết - Ảnh: KIẾN XÍU
Mẹ con tôi đã về đến nhà ở quê hương mình rồi!
1. Các con tôi rất thích được đi xe máy. Ngồi ôm sau lưng mẹ, con gái thỏ thẻ: "Sao con thích ở Việt Nam hơn Úc, thân thiện và tiện nghi!". Mẹ hiểu ngay ý con là thích món gì ra đường có ngay, mọi người cũng gần gũi và xởi lởi.
Đầu tôi cũng hiện lên hàng loạt món ăn quê hương mẹ có thể khiến các con chảy nước miếng. Bánh mì kẹp thịt hè phố, phở, bún bò, cơm tấm, chả giò hay chè bưởi, chè chuối...
Các con tôi được sinh ra và lớn lên ở Úc, một nước văn minh, hiện đại, khoảng cách địa lý không quá xa Việt Nam. Mang hai dòng máu Việt - Úc, các con luôn tự hào được thừa hưởng hai nền văn hóa Việt - Úc đặc trưng và hài hòa vận dụng chúng ở mọi nơi.
Trước khi dịch COVID-19 ập đến thì vợ chồng tôi luôn cố gắng tạo điều kiện để các con được về quê ngoại mỗi năm một lần. Ngoài việc giữ gìn tiếng Việt cho con, vợ chồng tôi luôn hướng dẫn và truyền đạt lại cho các con văn hóa ứng xử, giao tiếp, tập tục của Việt Nam và Úc. Các con cứ vậy mà lớn lên, mà trưởng thành trong suy nghĩ và hành động.
Có lẽ, nhiều gia đình Việt ngày nay sẽ thấy khác lạ khi một đứa trẻ ngồi vào bàn cơm biết mời người lớn và những người khác cùng dùng bữa với mình như nếp nhà xưa. Đặc biệt với hai đứa trẻ tiếng Việt lọng ngọng, nét mặt khá "tây" khi cất lên lời mời không khỏi làm nhiều người ngạc nhiên.
Và khi người khác tỏ vẻ ngạc nhiên, hai đứa trẻ đó cũng ngạc nhiên không kém: "Con là người Việt, con đang ứng xử văn hóa Việt là chuyện bình thường mà!".
Thực ra ở Úc, khi vào bàn ăn, mọi người tham gia bữa ăn đó cũng vẫn mời người khác ngồi cùng bàn dùng bữa bằng cách nói giản dị "Thank you and enjoy!" (nghĩa là: Cảm ơn (ba, mẹ, chủ nhà - người mời) và chúc ngon miệng). Khi ăn xong, họ cũng nói cảm ơn để tỏ lòng biết ơn người đã nấu món và chuẩn bị bữa ăn cho họ.
Trong văn hóa Việt Nam của mình thì người nhỏ phải mời người lớn hơn mình về cả tuổi tác và vai vế một cách lễ phép và mời từng người một, rồi chào người ngang tuổi hoặc nhỏ hơn mình cùng dùng bữa.
Xét ra thì văn hóa Việt Nam mình có vẻ khó khăn, phức tạp, bọn nhỏ cũng có lần thắc mắc nhưng khi được giải thích về ý nghĩa của việc giữ tôn ti trật tự như vậy thì các con cũng vui vẻ ứng dụng và thực hiện chỉn chu. Việc đó giờ trở thành một nếp quen không bàn cãi và vui vẻ trong gia đình nửa Việt nửa Úc của tôi.
Chàng rể Úc và hai con mang nửa dòng máu Việt về chúc Tết ba mẹ vợ
2. Ngày Tết được về quê hương, được gặp ông bà ngoại là niềm vui lớn của cả hai con tôi. Không chỉ vì chúng được nhận lì xì, mà chúng còn được xúng xính áo dài truyền thống, khoanh tay mừng thọ ông bà, cha mẹ, những người lớn trong nhà.
Và đặc biệt là được quây quần bên mớ lá, rổ gạo xem mẹ cùng người lớn gói những chiếc bánh chưng, bánh tét để Tết được đủ đầy hương vị, không khí truyền thống mà mẹ thường kể các con nghe ngày xưa mẹ còn bé thì ông cố cũng gói bánh mỗi năm.
Những năm không thể về ăn Tết với gia đình ở Việt Nam thì tôi vẫn chuẩn bị một nồi bánh trên đất Úc để các con vẫn giữ được phong tục cho ngày cuối năm, giữ cái nếp nhà. Chồng tôi là người Úc chính gốc cũng rất khoái phụ vợ làm món bánh độc đáo này.
Trung thu cũng là một ngày hội với các con. Không chỉ mời các bạn trong cộng đồng người Việt ở Úc, các con còn lên danh sách mời các bạn Úc cùng tham dự. Chúng bảo: "Con muốn các bạn hiểu thêm văn hóa Việt Nam".
Giúp mẹ làm bánh Trung thu, chuẩn bị lồng đèn, mâm quả đón trăng, tập diễn kịch tiểu phẩm "Sự tích cây đa chú Cuội", nhiệt tình của các con cũng là động lực để mẹ và ba chuẩn bị ngày hội cho các con thêm chu đáo và thú vị.
Chưa bao giờ vợ chồng tôi hối tiếc trong việc gìn giữ và phát huy văn hóa Việt Nam cho các con ở nơi đất khách quê người, mà còn hơn thế: chúng tôi rất tự hào.
Các cô cậu khoái chí đi chợ Tết và đường hoa ở quê mẹ
3. Để gọi là hòa nhập thì gia đình chúng tôi cũng duy trì những tập tục của người Úc. Ba dạy các con làm bánh Damper (một loại bánh mì của thổ dân Úc), con trai thích học thổi Didgeridoo (một loại nhạc cụ đặc trưng của thổ dân Úc được chế tác từ những cành khô bị mối đục rỗng bên trong, người chơi nhạc cụ phải vận dụng luồng hơi thật khỏe từ bụng đẩy lên và dùng cơ mặt để điều khiển luồng hơi đó thành những âm thanh trầm bổng khi đi qua khúc cây rỗng).
Ba Úc cũng dạy con trai phải biết "làm chủ" bữa tiệc nướng (BBQ) thể hiện tác phong của người đàn ông trong gia đình qua từng cách điều khiển bếp BBQ ngày hôm đó.
Dịp Giáng sinh, các con cũng háo hức trang trí cây thông, gói những món quà cho người thân và bạn bè. Ngày còn bé, tin vào cổ tích, các con luôn để sẵn ngoài sân cái bánh bích quy, củ cà rốt và một cốc sữa cho ông già Noel, vì chúng tin ông già Noel và những chú tuần lộc đi đường xa sẽ mệt.
Rồi sáng ra chạy xuống sân xem các thứ chúng tiếp đãi ông già Noel và những chú tuần lộc còn hay hết. Ông già Noel dễ thương lắm, bao giờ cũng chừa lại một ít vụn bánh quy, vài giọt sữa, một mẩu cà rốt bé xíu để coi như là "chứng tích" cũng như không quên viết lại vài dòng cảm ơn bọn trẻ con và như vậy có nghĩa là chúng được mở quà dưới gốc thông. Cổ tích cũng có những nét văn hóa riêng...
Ba Úc và mẹ Việt cùng các con giữ gìn những nét đẹp của văn hóa hai nước Việt Nam và Úc luôn là niềm vui, niềm tự hào mà các con xứng đáng được thừa hưởng. Lớn lên cùng các con thấm đẫm sắc màu đa văn hóa là một cách làm giàu thêm tâm hồn của các con, là hành trang không thể thiếu của các con trong cuộc sống.
Tết trên quê hương mẹ lại đến rồi, nồi bánh chưng bánh tét sẽ lại hồng ánh lửa ấm, mai vàng sẽ lại rực nở. Và các con tôi sẽ vui vẻ khoanh tay chúc ông bà ngoại cùng ba mẹ những lời yêu thương từ trái tim. Các con sẽ chúc bằng tiếng Việt, ngôn ngữ từ thuở mẹ sinh ra đời...
Ngày nay, nhiều người Việt ra nước ngoài rất chú ý giáo dục con cái hiểu biết và yêu quý gìn giữ văn hóa cội nguồn. Nhà nào có cả cha mẹ Việt thì dễ, gia đình nào có cha hoặc mẹ là người nước ngoài sẽ khó hơn một chút, đặc biệt là nếu sinh sống ở khu ít người Việt định cư.
Việc đầu tiên rất cần để các con hướng về cội nguồn là học ngôn ngữ Việt, dù các con có giỏi và suốt ngày nói tiếng Anh, tiếng Pháp gì đi nữa. Có tiếng Việt các con sẽ đọc được sách báo quê nhà, sẽ giao tiếp được với người Việt ở mọi nơi. Đặc biệt là mỗi dịp về quê hương, các con sẽ càng yêu thương, thích thú khi có thể thân thiện mở lòng mình với gia đình, dòng họ và mọi người trên phố...
TTO - Năm 2016, cả nhà chúng tôi sang Singapore sinh sống và làm việc. Hà Minh, con gái út hơn 20 tháng tuổi lúc này còn chưa nói được tiếng Việt, không giống như anh trai Hà Quang được học trọn các lớp mẫu giáo ở quê nhà...
Xem thêm: mth.23780301113212202-nougn-ioc-yal-uey-noc-yad/nv.ertiout