Hiện nay, Hàn Quốc là thị trường đang dẫn đầu về lượng khách quốc tế đến Việt Nam khi trong 11 tháng đầu năm 2022 đạt gần 764.000 lượt khách, chiếm 26% tổng lượt khách quốc tế. Bên cạnh đó, thị trường khách Ấn Độ ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng với 109.000 lượt tính từ tháng 01 đến tháng 11-2022. Trong đó, riêng tháng 11 đã có 27.000 lượt khách Ấn Độ, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2019.
Tại TPHCM, báo cáo của Sở Du lịch TPHCM cho thấy, sau những thiệt hại nặng nề do dịch bệnh Covid-19, ngành du lịch Việt Nam nói chung đã có những bứt phá, chuyển biến tích cực. Với vị trí trung tâm về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, du lịch của cả nước, TPHCM đã chủ động triển khai sáng tạo các giải pháp tăng tốc, với mong muốn vực dậy và phát triển ngành du lịch ổn định. Qua đó, không chỉ cho sự phát triển du lịch của địa phương mà còn thu hút, liên kết, hợp tác, phát triển du lịch của các địa phương trên cả nước.
Đến nay, du lịch TPHCM đã mở rộng việc ký kết hợp tác phát triển du lịch với 49 địa phương/6 cụm kinh tế của cả nước và đã nhận được kết quả đáng khích lệ, với hơn 30 triệu lượt khách quốc tế và nội địa đã đến TP, tăng 167,4% so với cùng kỳ năm 2021. Định vị của du lịch của TPHCM trên bản đồ thế giới cũng ngày càng được khẳng định với nhiều giải thưởng uy tín liên tiếp được trao trong năm 2022 như: "Điểm đến du lịch kinh doanh hàng đầu Châu Á", "Điểm đến du lịch MICE hàng đầu Châu Á" và "Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu Châu Á" của Tổ chức Du lịch thế giới (WTA); đồng thời là một trong 2 thành phố của Châu Á nằm trong top 15 các điểm đến được truy cập nhiều nhất trên thế giới cuối năm 2022.
Hiệu quả của chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch không chỉ mang lại kết quả tích cực cho ngành du lịch TPHCM, mà còn góp phần tạo sự chuyển biến cho cả nước và cho các địa phương hợp tác liên kết phát triển du lịch với TPHCM. Được biết, hiện nay mùa du lịch đang bước vào những ngày cuối năm 2022, khi Trung Quốc đang thực hiện điều chỉnh chính sách "Zero Covid", cân nhắc nới lỏng các yêu cầu kiểm soát sau thời gian dài thực hiện. Ngoài ra, nhiều hãng hàng không cũng đã thông báo khôi phục các đường bay giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Đây được xem là tín hiệu tích cực, giúp đẩy nhanh quá trình khôi phục của ngành nghỉ dưỡng Việt Nam khi là thị trường khách du lịch lớn nhất thế giới thực hiện hơn 150 triệu chuyến du lịch nước ngoài trong năm 2019. Việc mở cửa biên giới và gỡ bỏ các quy định về cách ly tại Trung Quốc sẽ có tác động lớn đến sự khôi phục hoạt động du lịch tại nhiều quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt các điểm đến phụ thuộc nhiều vào nguồn khách này như Việt Nam.
Được biết, thị trường khách nội địa vẫn đang là động lực chính của ngành du lịch Việt Nam. Tính đến tháng 11 năm 2022, hoạt động du lịch nội địa ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng với 96,3 triệu lượt khách, vượt mức 85 triệu tổng lượt khách nội địa của cả năm 2019. Hiện nay, các điểm đến như Nha Trang - Cam Ranh và Đà Nẵng chỉ mới đạt được 50% mức công suất của năm 2019. Các khách sạn tại Hà Nội và TPHCM ghi nhận mức độ hồi phục tốt hơn nhờ nguồn khách công vụ, khách lưu trú dài hạn cũng như đoàn khách. Giá phòng bình quân tại 2 thị trường này vẫn thấp hơn so với năm 2019 từ 15% đến 20%. Quá trình khôi phục các khách sạn thuộc phân khúc cao cấp, hạng sang khả quan hơn.
Xem thêm: lmth.537141_man-teiv-ned-et-couq-hcahk-gnoul-ev-uad-nad-couq-nah/gnourt-iht/nv.moc.nagnoc