Tính đến 14 giờ 00 phút chiều nay 30/11, ứng dụng theo dõi chất lượng không khí IQAir ghi nhận chất lượng không khí Hà Nội phổ biến ở ngưỡng rất xấu, đứng thứ 4 thế giới với chỉ số AQI ở mức 181. Dù đã giảm thêm 1 bậc so với buổi trưa, nhưng đây vẫn là mức không tốt cho sức khỏe con người.
Theo bảng xếp hạng này, Delhi - thành phố của Ấn Độ vọt lên vị trí thứ nhất (buổi trưa đứng thứ hai) với mức chỉ số có hại nhất trên thang đo, là 483. Trong đó, New Delhi – một phần của Delhi và là thủ đô của Ấn Độ cũng có chỉ số AQI cao nhất trong bảng xếp hạng các khu vực có chất lượng không khí tệ nhất, là 221. Nồng độ các hạt PM 2.5 độc hại, có đường kính dưới 2,5 micron có thể gây chết người được ghi nhận ở New Delhi vào chiều ngày 30/11 cao gấp 95 lần so với hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm đưa ra bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
India Today cho biết, dữ liệu của Ban Kiểm soát Ô nhiễm Trung ương (CPCB) chất lượng không khí nói chung ở New Delhi liên tục ở mức nghiêm trọng trong nhiều ngày liên tiếp kể từ đầu tháng 11 năm nay. Trong khi đó, cùng thời điểm này năm ngoái, New Delhi chỉ ghi nhận 3 ngày có chất lượng không khí nghiêm trọng. Trước đó, tháng 11 năm 2021, thành phố này đã phải trải qua 12 ngày sống trong chất lượng không khí tồi tệ.
Theo Báo Chính Phủ, New Delhi, thủ đô của Cộng hòa Ấn Độ, nằm ở miền Bắc Ấn Độ, được xây dựng bên bờ phải sông Yamuna, gần chân dãy đồi Aravali, trên độ cao 216m.
Nằm trên ngã tư trục đường giao thông lớn nhất trong khu vực, lại ở vùng đất vốn được coi là vựa lúa ngay từ ngàn xưa, New Delhi có vị trí quan trọng về địa lý – kinh tế cũng vai trò lịch sử rất lớn trên tiểu lục địa Ấn Độ. Lịch sử hình thành vùng đất Delhi ngày nay bắt nguồn từ "Thời kỳ Anh hùng ca", cách đây hơn 3.000 năm.
The Guardian đưa tin, New Delhi là nơi sinh sống của hơn 20 triệu người, thường xuyên bị xếp hạng là thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Theo chỉ số chất lượng cuộc sống không khí năm nay do viện chính sách năng lượng của Đại học Chicago biên soạn, cuộc sống của người dân Delhi có thể bị rút ngắn 11,9 năm do chất lượng không khí quá tệ.
Kết quả nghiên cứu từ một dự án chung của chính quyền New Delhi và Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) – Kanpur cho thấy, đốt rơm rạ là nguyên nhân hàng đầu khiến không khí ở New Delhi ô nhiễm. Việc đốt rác thải nông nghiệp đang đóng góp từ 31 đến 51% vào tình trạng ô nhiễm không khí của thành phố này trong thời gian gần đây. Những yếu tố còn lại là bụi xây dựng, khí thải xe cộ…
Ông Gopal Rai, người đứng đầu cơ quan môi trường thành phố New Delhi trả lời phỏng vấn AP vào ngày 8/11 cho biết, chính quyền địa phương sẽ cố gắng gây mưa nhân tạo thông qua biện pháp gieo hạt trên đám mây trong tháng 11 nhằm nỗ lực chống ô nhiễm không khí ở thành phố này.
Kế hoạch trên bao gồm việc thả muối hoặc bạc iodide vào các đám mây từ máy bay nhằm thúc đẩy sự hình thành mưa. Các nhà khoa học Ấn Độ hy vọng, lượng mưa tạo ra sẽ giúp loại bỏ ô nhiễm khỏi không khí.
Theo trang tin tức của Vinmec, AQI (Air Quality Index) là một chỉ số báo cáo chất lượng không khí hàng ngày. Đây được coi là một thước đo đơn giản hóa mức độ ô nhiễm không khí, cho biết không khí xung quanh ta là sạch hay ô nhiễm, ô nhiễm đến mức độ nào. Rủi ro đối với sức khỏe cộng đồng càng cao khi chỉ số AQI càng lớn. Chỉ số AQI tập trung vào sự ảnh hưởng tới sức khỏe người dân có thể gặp trong vòng vài giờ hoặc vài ngày sau khi hít thở không khí ô nhiễm.
EPA (The U.S. Environmental Protection Agency – Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường Hoa Kỳ) tính toán chỉ số AQI với 5 thông số ô nhiễm không khí chủ yếu: Ozon mặt đất, Ô nhiễm phân tử (chỉ số về bụi mịn PM 2.5 và PM 10), Carbon monoxide (CO), Sulfur dioxide (SO2), Nitrogen dioxide (NO2).