Ra mắt ngày 1-12-2003, chỉ sau vài năm Tuổi Trẻ Online (TTO) đã vào top những website tiếng Việt có nhiều bạn đọc truy cập, tuoitre.vn là một trong những địa chỉ tin cậy của đông đảo độc giả bởi độ chính xác, nhanh nhạy, đa chiều...
Ông Hàng Phước Long, nguyên thư ký tòa soạn Tuổi Trẻ Online 7 năm đầu và là một trong những người đặt nền móng cho Tuổi Trẻ Online, kể lại khi về tòa soạn, thấy các file báo in sau khi xuất bản chỉ được lưu giữ một tuần rồi bị xóa, ông nghĩ đến một thư viện điện tử.
"Từ thư viện điện tử, năm 2001 tôi bắt đầu ấp ủ ý tưởng làm một tờ báo điện tử. Hai năm sau đó là hành trình kiên trì thuyết phục, gầy dựng từ con số 0 vì thời đó khái niệm báo điện tử còn rất mới…", ông kể.
Mang ý tưởng về tờ báo điện tử của Tuổi Trẻ chia sẻ với bạn bè và mạng lưới kết nối, ông Long nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ việc xây dựng nền tảng công nghệ và trang CMS đầu tiên để xử lý các nội dung tin tức, đến những người trẻ đầu quân về và chung tay thiết kế các chương trình, nội dung đầu tiên cho trang báo.
Khát khao về một tờ báo điện tử lớn đến mức trong thời gian chờ quyết định thành lập, ông Long và các cộng tác viên đã dành nhiều thời gian để tập dượt việc sản xuất tin và vận hành Tuổi Trẻ Online.
"Trước khi rời Tuổi Trẻ vào cuối tháng 11-2003, anh Lê Văn Nuôi khi ấy là tổng biên tập đã ký quyết định cho phép ra mắt tờ báo. Tuổi Trẻ Online làm lễ ra mắt vào đúng ngày 1-12-2003 tại Nhà văn hóa Thanh niên, trùng thời điểm SEA Games 22", ông Long nhớ lại.
Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Huỳnh Sơn Phước phát biểu tại buổi ra mắt chính thức báo Tuổi Trẻ Online ngày 1-12-2003
Hai người "tạo đà" cho Tuổi Trẻ Online phát triển mạnh mẽ giai đoạn đầu là ông Lê Hoàng và ông Huỳnh Sơn Phước - tổng biên tập và phó tổng biên tập báo khi đó.
Các giai đoạn về sau, tổng biên tập Phạm Đức Hải, Tăng Hữu Phong đã kế thừa và phát triển Tuổi Trẻ Online, thông qua việc bắt đầu phát triển mô hình Tòa soạn hội tụ cũng như tăng tốc đầu tư cho Tuổi Trẻ Online.
Nhắc lại những ngày đồng hành cùng tờ báo điện tử còn non trẻ, ông Huỳnh Sơn Phước chia sẻ: "Đối với những người làm báo, ngoài việc thành thạo chuyên môn thì còn cần có nền tảng tri thức, sự hiểu biết, khả năng tiếp cận, quan sát, nắm bắt và lắng nghe người đọc. Sự ra đời của Tuổi Trẻ Online đã giúp chúng tôi lắng nghe bạn đọc tốt hơn và tạo ra một không gian rộng mở hơn.
Khát vọng của chúng tôi lúc đó là làm sao để nâng mình lên, bắt kịp với xu thế của thời đại và tận dụng truyền thông số để nâng giá trị thương hiệu và hình ảnh của báo Tuổi Trẻ trong lòng bạn đọc".
Một ngày sau khi ra mắt, ngày 2-12-2003, Tuổi Trẻ Online tổ chức buổi giao lưu trực tuyến đầu tiên với khách mời là tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa (nguyên phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM) để giải đáp thắc mắc của thí sinh cả nước về tuyển sinh đại học.
Buổi giao lưu trực tuyến đầu tiên của báo Tuổi Trẻ diễn ra vào ngày 2-12-2003, với khách mời là tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa (nguyên phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM) để giải đáp thắc mắc của thí sinh cả nước về tuyển sinh đại học
"Cách đây 20 năm, thi và xét tuyển nằm chung trong cùng một quá trình chứ không tách ra như hiện nay. Quy trình tuyển sinh chưa được số hóa, thí sinh còn phải làm nhiều thủ tục trên giấy, sau đó còn có khâu nhập dữ liệu lại của các trường trung học phổ thông, các sở giáo dục - đào tạo và các trường đại học. Do vậy các thông tin về kê khai hồ sơ thủ tục thi rất cần thiết cho học sinh, trong một buổi tư vấn tuyển sinh trực tiếp không thể nào hướng dẫn cụ thể cho từng thí sinh được.
Ngược lại, khi tư vấn trực tuyến, mỗi thí sinh có thể được trực tiếp trả lời chi tiết cho câu hỏi của chính mình. Đó là chưa kể sự thuận lợi về địa lý, về không gian, thời gian và thời tiết cho cả thí sinh và chuyên gia tư vấn", thầy Nghĩa nhớ lại.
Trong những năm tiếp theo, tư vấn tuyển sinh trực tuyến trên Tuổi Trẻ Online đã là một trong những kênh tư vấn chủ lực của báo Tuổi Trẻ cho học sinh, phụ huynh. Phương tiện kỹ thuật ngày càng tốt hơn, nội dung ngày càng đa dạng phong phú hơn, số lượng học sinh tham gia ngày càng nhiều hơn.
Các cuộc giao lưu trực tuyến, tư vấn trực tuyến là một trong những đặc trưng của Tuổi Trẻ Online và luôn được độc giả chờ đón
"Chương trình tư vấn trực tuyến trên Tuổi Trẻ Online đã cung cấp thông tin thi và tuyển sinh tới đông đảo thí sinh, gia đình và xã hội. Chính việc này tạo được công bằng hơn trong tuyển sinh, đặc biệt là cho các thí sinh vùng sâu vùng xa", thầy Nghĩa nhìn nhận.
Sau khi Tuổi Trẻ Online ra mắt, với mục đích tạo ra tờ báo điện tử với nội dung riêng, đa dạng và tận dụng được thế mạnh đa phương tiện, tháng 5-2005, Tuổi Trẻ Online giới thiệu Radio Giải trí, là chương trình đầu tiên của hệ thống radio phát trên báo điện tử của Việt Nam. Đây có thể coi là một phiên bản podcast đời đầu, phục vụ nhu cầu thông tin văn nghệ và thưởng thức những tác phẩm mới của bạn đọc Tuổi Trẻ.
Cuối năm 2005, chương trình truyền hình đầu tiên trên báo điện tử cũng được Tuổi Trẻ Online phát, thu hút nhiều ca sĩ, diễn viên tên tuổi tham gia. Sau này chương trình còn phát liên tục 24 giờ trong suốt tuần lễ nghỉ Tết với nhiều chuyên mục phong phú như tọa đàm với các chuyên gia, ca nhạc, kịch, phim truyện… Đến cuối năm 2007, có thêm Sách nói do Tuổi Trẻ Online tự sản xuất.
Một "đặc sản" khác là chương trình Online cùng Tết Việt, được Tuổi Trẻ Online tổ chức lần đầu vào năm 2004 và duy trì cho đến nay. Chương trình được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt khi là tờ báo duy nhất thời điểm đó tổ chức cho độc giả "ăn Tết online" bằng các hoạt động và cuộc thi sôi nổi như Xông đất, Xổ số vui xuân, Chúc xuân, thi ảnh xuân, thi tùy bút Tết, thi karaoke (bạn đọc ghi âm trên nền nhạc Tuổi Trẻ Online cung cấp), tạo thiệp Tết...
Thư ký tòa soạn Cù Mai Công (bìa phải), phó tổng thư ký tòa soạn Nguyễn Trường Uy (giữa) tại một chương trình của Tuổi Trẻ Online năm 2010
Năm 2010, với mong muốn tiếp tục tạo ra các sản phẩm mang tính đổi mới, phù hợp nhu cầu bạn đọc, Tuổi Trẻ Mobile được cho ra mắt, đón đầu làn sóng sử dụng điện thoại di động đang dần trở nên phổ biến trong cộng đồng.
Lần lượt các năm sau đó là Tuổi Trẻ Cuối Tuần Online, Tuổi Trẻ News, Tuổi Trẻ Cười Online, Tuổi Trẻ Media, Tuổi Trẻ Podcast, Mực Tím Online...
20 năm qua, Tuổi Trẻ Online đã trải qua nhiều đợt cải tiến giao diện với một mục đích là phụng sự bạn đọc. Đội ngũ đã thật sự trở thành những người làm báo điện tử đúng nghĩa, từ thói quen tư duy đến kỹ năng, đam mê nghề nghiệp.
Một câu chuyện đã có thể được kể đa ngôn ngữ bằng lời, bằng hình ảnh, bằng video clip, bằng âm nhạc, bằng đồ họa; một vấn đề có thể được cập nhật diễn biến đến từng phút; tương tác với bạn đọc gần như "ngay lập tức".
Và không chỉ có các phóng viên, biên tập, kỹ thuật, công nghệ cũng được đầu tư đáng kể để thay đổi tác nghiệp đa chức năng, ban biên tập Tuổi Trẻ cũng đã đổi mới tư duy và cách điều hành, quản lý.
Đầu năm 2023, Tuổi Trẻ Online đã tiếp tục cải tiến và cho ra mắt nhiều chuyên mục mới, nhiều tính năng tiện ích được cập nhật và nhất là ứng dụng công nghệ AI vào quá trình sản xuất tin bài với mục tiêu tiệm cận tốt với nhu cầu của bạn đọc.
Nhiều chuyên mục mới như: giá vàng, giá USD, chứng khoán, dự báo thời tiết, lịch thi đấu bóng đá… và các tính năng như: AI đọc bản tin, tùy chỉnh cỡ chữ, tặng các biểu tượng tương tác cho bài viết… cũng đã được cập nhật trong lần đổi mới này.
Đáng chú ý, trong dịp này Tuổi Trẻ Online cũng đã cho ra mắt phiên bản Tuổi Trẻ Sao. Đây là một phiên bản đặc biệt của Tuổi Trẻ Online. Khi chọn Tuổi Trẻ Sao, bạn đọc sẽ được trải nghiệm nội dung thông suốt, không xen lẫn quảng cáo hiển thị cùng nhiều giá trị chuyên biệt khác.
Tuổi Trẻ Sao cũng mở ra thêm một phương thức mới giúp bạn đọc có thể hỗ trợ nguồn lực phát triển báo Tuổi Trẻ bằng cách đóng góp các ngôi sao để tham gia hoạt động và tương tác trên Tuổi Trẻ Online.
Qua những đợt đổi mới, Tuổi Trẻ Online đã và đang tiệm cận tốt hơn, nhanh hơn về cả nội dung và hình thức, mang lại những trải nghiệm tiện ích và hấp dẫn cho bạn đọc. Lượng truy cập và tương tác trên Tuổi Trẻ Online tăng mạnh qua từng năm, trở thành kênh thông tin chính thống, nhanh nhạy, chính xác và tạo được niềm tin trong lòng bạn đọc.
Hiện nay, Tuổi Trẻ Online là 1 trong 3 tờ báo điện tử lớn nhất tại Việt Nam, với lượng truy cập được hệ thống Google Analytics ghi nhận hơn 100 triệu lượt xem/tháng.
Trong tháng 8-2021, Tuổi Trẻ cũng lọt vào top 2 các báo điện tử có lượng truy cập lớn nhất tại Việt Nam.
Thời gian qua, Tuổi Trẻ Online đã tạo được hàng trăm diễn đàn để bạn đọc tham gia tương tác, đóng góp ý kiến về các vấn đề mang tính phản biện cho sự phát triển chung của xã hội, của đất nước. Trung bình mỗi năm có hàng chục triệu bình luận của bạn đọc tương tác trên các bài viết, diễn đàn.
Tuy nhiên, ngần đó vẫn chưa đủ. Những gì Tuổi Trẻ đã làm được vẫn chưa thật sự đáp ứng hết những đòi hỏi ngày càng cao, càng mới của bạn đọc trên nền tảng số.
Các đối tác, chuyên gia cùng chia sẻ tại buổi tọa đàm Để Tuổi Trẻ Online thu hút và gắn kết thuộc chương trình Kết nối 2021 mừng sinh nhật lần thứ 18 của Tuổi Trẻ Online
Trong những cái khó, Tuổi Trẻ Online được nhiều chuyên gia nhận định là có không ít lợi thế, đó là thương hiệu, uy tín và sự tin cậy của bạn đọc. Đó cũng chính là động lực để Tuổi Trẻ Online phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, nhanh hơn nữa nhưng vẫn phải giữ vững những giá trị cốt lõi vốn có của mình.
Tuổi Trẻ Online luôn nhận được sự ủng hộ và đồng hành của bạn đọc dù chất lượng nội dung có lúc chưa thỏa mãn được những trông đợi, đội ngũ Tuổi Trẻ cũng không tránh khỏi những lúc va vấp. Nhưng điều đáng mừng là bạn đọc luôn sẵn lòng lượng thứ, chia sẻ và động viên Tuổi Trẻ. Có những bạn đọc thân thuộc đã gắn bó, vui buồn với Tuổi Trẻ suốt hàng chục năm qua.
Tuổi Trẻ Online sẽ tiếp tục đầu tư nghiên cứu, tận tâm, tận lực, đột phá và sáng tạo để vượt qua những thách thức ở tuổi 20, nỗ lực đáp ứng kỳ vọng trở thành tờ báo đa phương tiện đáng tin cậy và có nhiều bạn đọc nhất Việt Nam.
Xem thêm: mth.12811021282113202-02-iout-hnirt-hnah-enilno-ert-iout/nv.ertiout