Đường đi của 68 tấn vàng Nga
Theo ước tính của TASS dựa trên dữ liệu từ Cục Thống kê và điều tra dân số Hong Kong, lượng vàng của Nga xuất khẩu sang Hong Kong từ đầu năm tới nay đã tăng 7,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái lên tổng cộng khoảng 5,31 tỷ USD.
Kể từ đầu năm đến nay, Hong Kong đã nhập khẩu tổng cộng 68 tấn vàng từ Nga, tăng gấp 4 lần so với cả năm 2022. Chính vì vậy, Hong Kong đã soán ngôi UAE trở thành trung tâm giao dịch vàng của Nga lớn nhất thế giới.
Tính riêng trong tháng 10, lượng vàng giao từ Nga đến Hong Kong đã tăng 527% so với cùng kỳ năm ngoái lên 987,6 triệu USD.
Những diễn biến trên cũng cho thấy phương Tây đang gặp rất nhiều thách thức khi cố gắng chặn nguồn lực tài chính của Nga. G7 và Liên minh châu Âu (EU) đã từng tung ra loạt lệnh trừng phạt đối với các công ty khai thác vàng hàng đầu của Nga.
Trước khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, phần lớn vàng của Nga được đưa tới các hầm chứa ở London. Sau khi bị thị trường London "cấm cửa", vàng Nga đã chuyển hướng sang UAE.
Trong năm 2022, Nga trở thành nhà cung cấp vàng lớn nhất của UAE khi xuất khẩu 96,4 tấn vàng. Tuy nhiên, thời gian gần đây số lượng đã giảm mạnh.
Tại UAE, các giao dịch chuyển tiền qua ngân hàng ngày càng bị quản lý chặt hơn trong khi thanh toán bằng tiền mặt cũng bị theo dõi chặt chẽ bởi hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.
Theo các chuyên gia trong ngành, vàng Nga "chạy" sang Hong Kong là do các nhà khai thác vàng hàng đầu của Nga bị Mỹ cấm vận và giao dịch kim loại quý tại UAE trở nên khó khăn hơn.
Ngoài ra, việc Mỹ tuyên bố trừng phạt Plyus JSC, công ty khai thác vàng lớn nhất của Nga, hồi tháng 5 cũng khiến các nhà giao dịch và ngân hàng ở UAE thận trọng hơn.
Việc chuyển hướng sang Hong Kong cũng được hỗ trợ bởi giá vàng Trung Quốc tăng cao hơn giá vàng quốc tế. Điều đó đã thu hút dòng chảy vàng thỏi vào nước này, tạo ra cơ hội kinh doanh chênh lệch giá có lợi cho các doanh nghiệp.
Giá vàng tiến gần tới mốc lịch sử
Với việc giá vàng quốc tế dần tiến đến mức cao lịch sử, các nhà phân tích thị trường cho rằng đợt tăng giá dự kiến sẽ phá kỷ lục của năm 2020 và có thể đạt mức mới 2.500 USD/ounce.
Mới đây, Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cũng cho rằng rủi ro địa chính trị và hoạt động mua tài sản để trú ẩn an toàn đang đẩy giá vàng lên cao.
Các chuyên gia dự đoán rằng trong tương lai nếu tình trạng bất ổn địa chính trị tiếp tục tiếp tục gia tăng, thị trường chứng khoán có thể giảm điểm mạnh và làm gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế.
Nếu lãi suất trái phiếu và đồng USD đạt đỉnh, giá vàng dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn nữa và có thể vượt xa mức cao nhất mọi thời đại trước đó.
Năm 2024, giá vàng thế giới có thể tăng mạnh bởi Mỹ được dự báo bơm tiền mạnh vào nền kinh tế. Không những vậy, nhu cầu vàng của Ngân hàng Trung ương nhiều nước được nhận định sẽ ở mức cao trong bối cảnh nền kinh tế đầy biến động như hiện nay.
Trên trang Kitco, Preston Pysh, đồng sáng lập kênh podcast tài chính Investors Podcast Network, cũng đưa ra nhận định mới về động thái chính sách tiền tệ của Mỹ và giá vàng thế giới.
Theo đó, Preston Pysh cảnh báo rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong năm 2024 có thể gây bất ngờ với động thái in tiền, một điều thường thấy trong một năm bầu cử của nước Mỹ.
Theo chuyên gia này, 2024 là năm bầu cử tại Mỹ. Do vậy, sẽ có những biến động khó lường và việc bơm tiền ra nhiều hay ít phụ thuộc nhiều vào sức khỏe của nền kinh tế và tình hình lạm phát.
Thường một lượng tiền lớn hơn rất nhiều sẽ được bơm ra so với năm không có bầu cử tổng thống. Pysh dự đoán Fed sẽ thực hiện cắt giảm lãi suất có thể bắt đầu vào giữa năm sau.
Không những vậy, các chuyên gia phố Wall cũng có những đánh giá rất trái ngược về khả năng nước Mỹ có suy thoái hay không và phản ứng của Fed đối với vấn đề này như thế nào.
Ngân hàng UBS và Morgan Stanley nhận định, kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trong năm 2024 và Fed sẽ có những lần cắt lãi suất ngay nửa đầu năm mới. Ngân hàng UBS không loại trừ khả năng Fed sẽ có đợt cắt giảm lãi suất sớm nhất vào tháng 3. Tổng cộng, trong năm 2024, ngân hàng này dự báo Fed sẽ cắt giảm tới 275 điểm cơ bản.
Các nhà đầu tư cũng lo lắng rằng vẫn có khả năng Fed không giảm lãi suất trong năm 2024. Nền kinh tế hàng đầu thế giới đã chứng tỏ được sức bền trong vài năm qua và Fed đã nhiều lần tăng lãi suất cao hơn dự kiến của thị trường. Lãi suất chuẩn của Fed hiện đang ở phạm vi 5,25-5,5%, mức cao nhất trong 22 năm.
Theo các chuyên gia, ngay cả khi lạm phát tiếp tục giảm, Fed vẫn ít có khả năng giảm lãi suất khi nền kinh tế tăng trưởng tốt hơn và có những dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng và doanh nghiệp đã thích nghi với môi trường lãi suất cao hơn.
Giá vàng có thể lập đỉnh trong năm 2024
Vàng cũng được dự báo có triển vọng tích cực trong năm 2024 trong bối cảnh nhiều nước vẫn đang chạy đua để tích trữ thêm vàng và muốn giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Nhu cầu vàng cũng được dự báo sẽ ở mức cao trong thời gian tới do một số nước châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ vào dịp cao điểm tiêu thụ vàng trong năm.
Chia sẻ với Business Insider, Maxwell Gold, người đứng đầu bộ phận chiến lược vàng của hãng này, cho biết: "Trước những rủi ro kinh tế và chính trị ngày càng gia tăng hiện nay, nguyên nhân thúc đẩy việc Ngân hàng Trung ương mua vàng là để đa dạng hóa dự trữ, cải thiện bảng cân đối kế toán và đạt được thanh khoản từ các tài sản có ít rủi ro tín dụng trên thị trường".
Việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đẩy mạnh mua vàng dự trữ, đồng nhân dân tệ suy yếu, thị trường chứng khoán trong nước ảm đạm và ngành bất động sản gặp khó khăn, cũng khuyến khích người tiêu dùng nước này đổ xô mua vàng thỏi để tích trữ tài sản của họ.
Theo Hội đồng Vàng thế giới, Trung Quốc đang trong giai đoạn mua vàng trên diện rộng, tăng lượng dự trữ vàng trong 12 tháng qua. Tháng 10 năm nay, Nga cũng mua thêm khoảng 23 tấn, nâng tổng lượng vàng nắm giữ lên 2.215 tấn.
Trên trang Kitco, nhiều chuyên gia tài chính dự báo vàng có triển vọng tích cực trong năm 2024 trong bối cảnh nhiều nước vẫn đang chạy đua để tích trữ thêm vàng khi thế giới bất ổn và muốn giảm sự phụ thuộc cũng như giảm vai trò của đồng USD.
Nhiều dự báo cho rằng, vàng đang bước vào một thị trường tăng giá với mức giá có thể vượt quá 2.100 USD/ounce ngay trong năm nay và sẽ tiếp tục đi lên trong năm 2024, thậm chí có thể đạt mức 3.000 USD/ounce.
Vàng thế giới tăng mạnh trong bối cảnh đồng USD liên tục giảm theo 2 quyết định ngừng tăng lãi suất của Fed và những tín hiệu bớt thắt chặt của Ngân hàng Trung ương Mỹ.
Các chuyên gia của Ngân hàng Goldman Sachs nhận định vàng sẽ "trở lại tỏa sáng" trong năm 2024. Theo Goldman Sachs, Ngân hàng Trung ương nhiều nước có thể tiếp tục đẩy mạnh mua vàng.