Tối 1/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân Lê Thị Bích Trân gặp cộng đồng người Việt Nam tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), nhân dịp dự Hội nghị COP28.
Chia sẻ với Thủ tướng, ông Huỳnh Bảo Khương, trưởng ban liên lạc cộng đồng người Việt tại UAE, nói không chỉ hàng hóa Việt Nam vận chuyển sang UAE có chi phí logistics cao mà sang nhiều nước cũng gặp tình trạng tương tự. Đây là khó khăn của nhiều người Việt Nam đang kinh doanh tại UAE.
Ông Khương cũng bày tỏ, giao dịch bất động sản tại Việt Nam tốn rất nhiều thời gian. Thậm chí có trường hợp vì lý do dịch bệnh không về nước được, phải làm giấy ủy quyền thì bị đánh thuế hai lần.
Vì vậy, ông mong Thủ tướng khi chỉ đạo cải cách hành chính quan tâm đến kiều bào.
Chung trăn trở, ông Nguyễn Đức Hoàng, doanh nhân Việt Nam tại UAE, nói "chi phí vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang rất cao, làm giảm tính cạnh tranh so với hàng Trung Quốc, Thái Lan". Ông mong Chính phủ có giải pháp ở tầm vĩ mô để giảm cước vận chuyển hàng hóa đường biển, hàng không. "Giảm chi phí vận chuyển sẽ tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam", ông Hoàng bày tỏ.
Khó khăn nữa mà nhiều doanh nghiệp tại UAE gặp phải là dù Việt Nam xuất khẩu nhiều nông sản nhưng hầu hết đều chưa có chỉ dẫn địa lý, chưa được bảo hộ. Nhiều nông sản Việt Nam bị làm giả. Đơn cử, nhiều sản phẩm nông nghiệp từ Việt Nam, được doanh nghiệp Thái Lan nhập về rồi xuất sang UAE, lại mang thương hiệu của người Thái.
Nhiều đối tác nước ngoài được các doanh nghiệp mời sang Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư nhưng chính sách thị thực còn vướng mắc. Rào cản này không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà còn khiến du lịch Việt Nam khó bứt phá.
"Tôi mong Chính phủ sớm có biện pháp giảm chi phí vận chuyển hàng hóa, có chỉ dẫn địa lý rõ ràng để hàng hóa Việt Nam có sức cạnh tranh cao hơn khi ra nước ngoài", ông Hoàng nói.
Chia sẻ những khó khăn của kiều bào, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam và UAE đang đàm phán để ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA). Khi trao đổi với Thủ tướng, Tổng thống UAE khẳng định "không có giới hạn với hàng hóa Việt Nam vào UAE". Nước này mong muốn hợp tác lập Trung tâm nghiên cứu của Microsoft tại Việt Nam.
Trước phản ánh chi phí logistics cao, Thủ tướng nói thế kỷ trước, khi Việt Nam trải qua 40 năm chiến tranh, không thể đầu tư cơ sở hạ tầng thì nhiều nước cùng khu vực có chừng đó thời gian hòa bình. Vì vậy, hạ tầng của họ được đầu tư sớm hơn Việt Nam. Thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực đẩy nhanh xây dựng hạ tầng giao thông, phát triển hàng không. Trong đó, có những lĩnh vực Việt Nam đã vượt lên. Thời gian tới, Chính phủ sẽ có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại UAE để hàng hóa Việt Nam thâm nhập nhiều hơn vào thị trường này.
Viết Tuân