Ho là phản xạ tốt nhưng ho nhiều, ho dài ngày có thể do những nguyên nhân nghiêm trọng và cần được bác sĩ chuyên khoa thăm khám, chẩn đoán
Ho là phản xạ rất tốt của cơ thể để tống bớt những dị vật (vi trùng, bụi bẩn, lông chó mèo…) ra khỏi đường thở. Nhưng nếu ho kéo dài bạn nên đi gặp bác sĩ.
Ho do nhiều nguyên nhân gây ra như viêm mũi họng, viêm phế quản, viêm phổi, dị ứng, suy tim, trào ngược dạ dày thực quản. Nhưng không phải lúc nào nguyên nhân gây ho đều nghiêm trọng. Nếu ho quá nhiều khiến cổ họng bạn đau rát, nôn mửa, khó ngủ, ăn kém, hãy thử những cách sau để làm dịu cổ họng và giảm bớt cơn ho của bạn:
1. Súc miệng bằng nước muối
Nước muối có thể tiêu diệt được vi khuẩn và cũng làm loãng chất tiết nên sẽ giúp bạn dịu cổ họng và dễ khạc đàm ra ngoài. Súc miệng bằng nước muối ít nhất 2 lần 1 ngày thực sự tốt cho cổ họng của bạn. Nhưng nước muối không diệt được vi rút nên có thể nó không giúp bạn chữa cảm lạnh do siêu vi.
2. Nhâm nhi 1 tách trà gừng
Gừng nổi tiếng là thực phẩm tốt cho dạ dày, nhưng thật ra nó cũng giúp giảm ho và giảm đau họng do đặc tính chống viêm và chống oxy hóa. Bạn có thể tạo ra 1 tách trà gừng nhanh chóng bằng cách dùng 1 túi trà rồi thả vào vài lát gừng tươi.
3. Cân nhắc những thực phẩm giảm trào ngược acid dạ dày
Trào ngược acid dạ dày là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ho và viêm họng mạn tính. Điển hình là bạn sẽ ho và viêm họng nhiều hơn khi nằm, khi ngủ dậy cảm giác đau rát họng nhưng không có triệu chứng nhiễm khuẩn như nóng sốt.
Nếu tình trạng ho của bạn do bệnh lý này, hãy thử hạn chế những thực phẩm như cam quýt, sô cô la, hành tây, đồ ăn giàu chất béo. Thay vào đó nên ăn nhiều chất xơ, cần tây, rau diếp, yến mạch, không uống nhiều nước trong bữa ăn và trước khi đi ngủ.
4. Thêm một ít mật ong vào đồ uống
Mật ong có tính kháng viêm nên giúp làm dịu cổ họng. Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy dùng mật ong giúp làm giảm các triệu chứng hơn là không dùng.
Chế độ ăn nhiều đồ ngọt khiến cơ thể bạn dễ viêm nhiễm, nhưng mật ong được xem là một ngoại lệ do đặc tính kháng viêm, tuy nhiên không nên dùng quá nhiều.
Ho và đau họng là biểu hiện dễ gặp khi thời tiết thay đổi
5. Tắm nước ấm
Tắm nước ấm giúp bạn đỡ nghẹt mũi, thư giãn các mạch máu, giảm áp lực xoang nên sẽ khiến bạn rất dễ chịu. Hơi nước khi tắm nước ấm cũng giúp đường mũi họng của bạn bớt khô và đỡ kích ứng hơn.
6. Uống nước
Uống nước có thể tăng cường miễn dịch của chính bạn, nó cực kỳ quan trọng khi bạn bị ho. Nước giúp làm loãng các chất tiết từ mũi họng, loãng đàm khiến bạn dễ tống ra ngoài, tránh ứ đọng vi khuẩn.
Nước giúp gan và thận hoạt động tốt hơn trong việc tăng cường thải độc tố ra ngoài, nhất là khi bạn đang bị bệnh và phải uống thuốc. Hãy uống nhiều nước hơn nếu bạn bị ho, sốt, và đang uống bất kỳ loại thuốc nào.
7. Dùng thuốc loãng đàm
Khi đường hô hấp của bạn có nhiều chất tiết, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách ho để tống đàm/chất tiết đó ra. Khi bạn dùng thuốc loãng chất tiết, bạn dễ dàng tống xuất chúng ra ngoài hơn và sẽ cảm thấy dễ chịu và giảm ho ngay sau đó. Bạn có thể tham khảo hoạt chất acetylcystein.
8. Bỏ hút thuốc lá
Hãy ngưng việc hút thuốc lá, kể cả hít khói thuốc lá thụ động. Khói thuốc chứa nhiều chất gây hại làm kích thích đường thở, viêm nhiễm và gây ho. Thuốc lá đã được chứng minh làm tăng nguy cơ ung thư phổi và bệnh mạch máu do xơ vữa.
9. Gặp bác sĩ để dùng thuốc theo toa
Khi ho kéo dài, hoặc do nguyên nhân nghiêm trọng khác như nhiễm khuẩn, bạn nên đến gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân gây ho và điều trị triệt để, cơn ho sẽ tự cải thiện.
Hiện hàng chục ngàn trẻ tại TP.HCM đang chờ vắc xin tiêm chủng mở rộng. Nếu không có vắc xin đầy đủ có nguy cơ bùng phát dịch, trước mắt là dịch sởi, bạch hầu, ho gà...