Điều chỉnh room tín dụng
Ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc cần có biện pháp điều hành tín dụng phù hợp, đảm bảo cung cấp đủ vốn cho nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh room tín dụng
Theo đó, những ngân hàng đạt đến 80% chỉ tiêu tín dụng đã được thông báo sẽ được chủ động bổ sung hạn mức tăng thêm dựa trên cơ sở xếp hạng năm 2022. Việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng không cần thiết phải đề nghị hoặc xin bổ sung.
Như vậy từ nay tới cuối năm, ngân hàng nào đạt đủ 80% chỉ tiêu sẽ tự động được tăng cho vay, miễn là việc cho vay đảm bảo đúng các quy định. Ngân hàng Nhà nước cũng dành ưu tiên cho những ngân hàng cho vay vào các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ và đã hạ lãi suất xuống thấp thời gian qua.
Lãi suất cho vay chỉ nên từ 6-8% đổ lại
Việc nới hạn mức tín dụng được nhiều doanh nghiệp đón nhận tích cực, với hy vọng có thể tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn, đặc biệt trong giai đoạn nước rút cuối năm, cần vốn cho các đơn hàng Tết.
Dự kiến doanh thu dịp Tết năm nay sẽ tăng trưởng 10%, Công ty CP Hồng Lam - doanh nghiệp chuyên sản xuất mứt, ô mai đã chuẩn bị nguyên liệu, nhân công từ tháng 6. Giờ là thời điểm doanh nghiệp cần nguồn vốn để sản xuất hàng, cung cấp cho mùa cao điểm cuối năm.
"Đây là một cơ hội tốt, một chính sách tích cực từ phía NHNN dành cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong bối cảnh kinh tế còn nhiều biến động và khó khăn. Chúng tôi cũng đang tham khảo", bà Đào Khánh Huyền, Trưởng phòng marketing Công ty CP Hồng Lam cho biết
Nới room tín dụng là một tin vui với nhiều doanh nghiệp bất động sản. Bởi lẽ, từ cuối năm ngoái đến nay, một số ngân hàng giữ tâm thế thận trọng với lĩnh vực này, hạn chế "room" tín dụng, có xu hướng ưu tiên lựa chọn khách hàng chấp nhận lãi suất cao.
"Trước đây, room cho doanh nghiệp bất động sản chỉ ở mức B thôi, nay được nâng lên mức A. Việc tiếp tục bơm vốn ra thị trường thì việc rất có ý nghĩa cho các dự án đang dang dở nguồn vốn được tiếp tục", ông Nguyễn Hồng Chung, Phó chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội đánh giá.
Thế nhưng, một số doanh nghiệp bất động sản cũng chia sẻ, việc với room tín dụng chỉ thực sự có ý nghĩa với các doanh nghiệp đang có gói vay và cần huy động tài chính. Nhưng với doanh nghiệp vay mới, đang chuẩn bị thủ tục thì thời gian còn lại một tháng từ nay đến cuối năm là không đủ để giải ngân. Các doanh nghiệp kiến nghị tiếp tục giảm lãi suất để họ tiếp cận nguồn vốn rẻ hơn.
Ông Lê Đình Chung, Tổng Giám đốc SGO Homes đề nghị lãi suất cho vay ở mức 6-8% đổ lại
"Với lãi suất cho vay bây giờ vẫn rất cao, gần như là bất khả thi để xây dựng một phương án kinh doanh hiệu quả. Với góc độ doanh nghiệp, chúng tôi đề nghị mức lãi suất 6 - 8% đổ lại", ông Lê Đình Chung, Tổng Giám đốc SGO Homes cho biết.
Trong điều kiện pháp lý các dự án bất động sản đang triển khai kéo dài như thời gian qua, doanh nghiệp cũng đề xuất tối giản hóa các điều kiện cho vay, rút gọn quy trình thẩm định, giải ngân.
Cuộc đua giữ "miếng bánh" tín dụng
Lâu nay nhiều người ví tín dụng là một "miếng bánh" được Ngân hàng Nhà nước chia cho các ngân hàng thương mại. Với lần này, miếng bánh tín dụng sẽ không thay đổi kích cỡ, vẫn duy trì chỉ tiêu tăng trưởng 14-15% trong năm nay. Tuy nhiên, "miếng bánh" này sẽ được chia lại. Những ngân hàng không dùng hết chỉ tiêu tín dụng sẽ được chia sang cho các ngân hàng thương mại có sự tăng trưởng tốt hơn.
Thực tế tín dụng có sự phân hóa mạnh, đã có những ngân hàng tăng trưởng tín dụng cao, đạt 17-20%, trong khi lại có những ngân hàng mới được một vài %. Đáng lưu ý, mức tăng trưởng thực tế của năm nay sẽ là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng cho năm sau. Vì thế, chỉ còn 1 tháng nữa là hết năm, cuộc đua cho vay đến chặng cuối này sẽ quyết liệt hơn, vừa để đảm bảo mục tiêu kinh doanh của từng ngân hàng, và cũng để giữ "miếng bánh" của mình không bị nhỏ đi.
Như tại OCB, 11 tháng đầu năm, ngân hàng này đã tăng trưởng tín dụng được 12%, tương đương hơn 80% chỉ tiêu tín dụng được giao. Riêng tháng cuối năm, ngân hàng đặt kỳ vọng có thể tăng trưởng cho vay tới 50% so với kết quả của 11 tháng cộng lại, thêm 6% nữa.
Còn tại ngân hàng ACB, đặt mục tiêu có thể gia tăng cho vay thêm ít nhất là 3-4% nữa trong tháng 12 này. Hiện lãi suất cho vay cũng đã giảm 3-4% so với giai đoạn cao điểm. Theo lãnh đạo của ngân hàng ACB, lãi suất thấp chỉ là một phần của điều kiện cần, để thúc đẩy tín dụng cuối năm.
"Các doanh nghiệp cũng như người dân cần một lãi suất phù hợp, cạnh tranh để sử dụng vốn. Tuy nhiên, thủ tục, hình thức thế chấp cũng rất quan trọng", ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu ACB cho biết.
Tính đến 22/11, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế là 8,2%
Tính đến 22/11, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế là 8,2%. Trong khi đó, tăng trưởng huy động vẫn ở mức cao dù mặt bằng lãi suất đã xuống mức thấp hơn cả giai đoạn COVID-19. Do đó, để đẩy tín dụng, vấn đề còn nằm ở sức cầu của nền kinh tế.
"Chúng ta phải tập trung vào các giải pháp về phía cầu nhiều hơn. Tức là làm thế nào để kích cầu nền kinh tế lên. Làm thế nào để doanh nghiệp có đơn hàng để sản xuất. Thì khi doanh nghiệp có đơn hàng để sản xuất và sức cầu trong nước phát triển trở lại thì nhu cầu tín dụng sẽ quay trở lại", ông Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho biết.
Trong chỉ đạo điều hành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh Ngân hàng Nhà nước phải điều hành tăng trưởng tín dụng kịp thời, hiệu quả, khả thi. Bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tuyệt đối không để tắc nghẽn, ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.14452605020213202-oac-tar-nav-yav-ohc-taus-ial-nas-gnod-tab-peihgn-hnaod/et-hnik/nv.vtv