Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn (GMC) vừa có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) thông tin về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh đến thời điểm hiện tại.
Văn bản được bà Nguyễn Minh Hằng - tổng giám đốc GMC - ký, nêu rõ: Hiện tại công ty chưa thể tuyển lại lao động cho ngành truyền thống. Công ty có đầu tư khôi phục lại ngành may hay không sẽ tùy thuộc vào tình hình thị trường.
"Công ty tối ưu hóa nguồn lực hiện có. Đồng thời tìm kiếm đối tác để thực hiện chuyển nhượng bán tài sản không sử dụng", lãnh đạo GMC cho hay.
Về hướng đi, công ty này cho biết sẽ đa dạng hóa ngành nghề để tránh rủi ro. Lãnh đạo GMC cũng tiết lộ khoản đầu tư mới trong năm 2023 vào dự án nhà ở của Công ty cổ phần Phú Mỹ.
Trước đó, tại cả hai kỳ đại hội đồng cổ đông thường niên và bất thường năm 2023, Hội đồng quản trị Garmex Sài Gòn đều có báo cáo tình hình kinh doanh không thuận lợi của công ty.
Trong đó, xác định nếu giữ sản xuất tại các nhà máy may, công ty sẽ lỗ rất nhiều nên việc tổ chức lại bộ máy, cắt giảm lao động, ngừng sản xuất để giảm thiệt hại là cần thiết.
Đến cuối quý 3-2023, báo cáo tài chính thể hiện Garmex Sài Gòn chỉ còn 37 lao động, giảm gần 2.000 người so với đầu năm nhưng giảm hơn 3.700 người so với cuối 2021. Thời cao điểm, doanh nghiệp này từng có 4.000 nhân sự.
Cả quý 3, doanh thu hợp nhất công ty chỉ vỏn vẹn 73 triệu đồng - nối dài 5 quý liên tiếp khó khăn.
Giải trình về kết quả kinh doanh, bà Nguyễn Minh Hằng - tổng giám đốc Garmex Sài Gòn - cho biết "công ty không có đơn hàng", doanh thu trong quý có được đến từ dịch vụ.
Dù đã tiết giảm chi phí, song công ty này cho biết giá thuê đất tăng làm tăng chi phí trong kỳ. Garmex Sài Gòn tiếp tục lỗ gần 11 tỉ đồng trong quý 3-2023, xấp xỉ mức năm trước.
Trên website, Garmex Sài Gòn giới thiệu từng một trong những nhà sản xuất hàng may mặc hàng đầu Việt Nam. Trước khi khó khăn ập đến, công ty này có tới 5 nhà máy với diện tích hơn 10ha và với tổng 70 dây chuyền cùng hơn 4.000 công nhân.
Với quy mô sản xuất lớn, Garmex Sài Gòn từng ghi nhận mức doanh thu hàng nghìn tỉ đồng và lợi nhuận lên đến hơn trăm tỉ đồng một năm. Đến cuối năm 2022, công ty xuất hiện quý lỗ đầu tiên khi đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh.
2023 là một năm chật vật với doanh nghiệp dệt may và nhân sự ngành này. Theo một báo cáo hồi tháng 5-2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lao động mất việc làm tập trung tại một số ngành như dệt may, da giày... Trong đó lao động ngành dệt may là 68.782 người, da giày 31.653 người.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định việc cắt giảm lao động hiện tại mang tính cục bộ, vẫn trong khả năng kiểm soát. Tuy nhiên, nếu khó khăn về thiếu đơn hàng, thiếu nguyên vật liệu, giá năng lượng không được giải quyết, số lượng lao động phải cắt giảm việc làm sẽ tăng cao, lan rộng sang các ngành nghề khác trong thời gian tới.
Trong quý 3-2023, một công ty dệt may từng rất lớn ở TP.HCM không ghi nhận đơn hàng nào. Khoản doanh thu ít ỏi có được đến từ dịch vụ.