Xung đột Nga-Ukraine sắp bước vào mùa đông thứ hai. Nga và Ukraine đang tăng cường khả năng phòng không của mình.
Theo trang Business Insider, đối với Ukraine, hệ thống phòng thủ hiệu quả có thể quyết định chuyện Ukraine có thể đối phó các cuộc tấn công tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Nga nhằm vào các TP và cơ sở hạ tầng quan trọng của nước này hay không.
Còn đối với Nga, việc có thể hạ gục UAV của Ukraine và tên lửa do phương Tây cung cấp rất quan trọng với việc quân đội Nga có thể điều động lực lượng và tiếp tế cho các hoạt động trên bộ sắp tới hay không.
Với cả hai bên, hệ thống phòng không hiệu quả là rất quan trọng trong việc chống lại UAV giám sát và UAV mang theo chất nổ trên chiến trường, nơi vũ khí này có thể làm tê liệt các hoạt động quân sự.
Ukraine chuyển sang hệ thống phòng không lai ghép
Năng lực phòng không của Ukraine đã chứng tỏ hiệu quả rõ rệt kể từ khi xung đột nổ ra. Ukraine đã sử dụng kết hợp các hệ thống có từ thời Liên Xô như hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 và tên lửa Buk, với các loại vũ khí phương Tây như hệ thống phòng không Patriot do Mỹ chế tạo và pháo phòng không Gepard do Đức sản xuất.
Tuy nhiên, Ukraine đang dần cạn kiệt tên lửa phòng không và đạn pháo sau gần hai năm hứng các đợt tấn công bằng tên lửa và UAV từ Nga.
Mỹ cùng các quốc gia châu Âu đang nỗ lực tăng cường sản xuất vũ khí để tiếp tục viện trợ cho Ukraine. Thế nhưng, các nước phương Tây gặp nhiều thách thức khi vừa đầu tư vào sản xuất vũ khí trong nước để hỗ trợ Ukraine vừa tìm kiếm tên lửa và đạn dược tương thích với các thiết bị thời Liên Xô của Ukraine.
Để đáp ứng nhu cầu hiện tại với những thiết bị đang có, Mỹ và Ukraine đã chuyển sang một giải pháp nhanh chóng, đó là hệ thống phòng không lai ghép FrankenSAM. Hệ thống này kết hợp các tên lửa do phương Tây chế tạo với các bệ phóng và radar do Liên Xô thiết kế.
Còn Nga vẫn chế tạo tên lửa cho các hệ thống phòng không thời Liên Xô mà Ukraine đang sử dụng, theo ông Michael Kofman, chuyên gia người Mỹ về quân sự Nga tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế (Mỹ).
Trong khi đó, Ukraine và các đồng minh phương Tây đang tìm cách mua tên lửa trên khắp thế giới để tương thích với những vũ khí đó. Ông Kofman cho rằng FrankenSAM có thể là giải pháp cho tình trạng thiếu hụt đạn dược của Ukraine.
“Với giải pháp FrankenSAM, có thể chúng tôi không sản xuất được số lượng lớn mỗi tháng nhưng sẽ cho phép chúng tôi cung cấp một phiên bản sửa đổi của tên lửa Buk hoặc một số hệ thống sẽ bắn tên lửa của chúng tôi” – ông Kofman nói.
Nga đưa tổ hợp phòng không khác tới Ukraine?
Tên lửa và UAV của Nga luôn là mối đe dọa thường trực đối với quân đội Ukraine, song Nga cũng gặp những vấn đề về phòng không.
Kể từ đầu xung đột, Ukraine đã sử dụng UAV nội địa và UAV cấp quân sự do phương Tây cung cấp, cũng như UAV thương mại được sửa đổi để mang đạn dược. Phía Ukraine đã sử dụng UAV cỡ lớn được trang bị tên lửa và UAV cỡ nhỏ để tấn công các mục tiêu lớn như xe tăng Nga. Bên cạnh đó, Ukraine còn sử dụng UAV với chế độ xem góc nhìn thứ nhất (first person view) giá rẻ để tấn công binh lính Nga.
Mối đe dọa lớn nhất với Nga có lẽ là các loại vũ khí tầm xa của Ukraine, chẳng hạn như Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) và Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) do Mỹ sản xuất, tên lửa hành trình Storm Shadow do Anh chế tạo. Ukraine đã sử dụng những vũ khí này để tấn công các căn cứ, kho tiếp tế và cơ sở hạ tầng của Nga.
Nga có kho vũ khí phòng không rộng lớn, vì vậy nước này đã duy trì khả năng bao phủ trên nhiều TP, khu vực biên giới và lãnh thổ có giá trị chiến lược như vùng Kaliningrad, vùng biển Baltic. Những vũ khí kể trên, kể cả hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến S-400, cũng đã được triển khai tới chiến trường Ukraine.
Trong những tháng gần đây, một số tổ hợp S-400 của Nga đã bị phá hủy trong các cuộc tấn công của Ukraine. Phân tích của Bộ Quốc phòng Anh hồi đầu tháng 11 cho thấy Nga rất nhiều khả năng sẽ phải đưa vũ khí phòng không khác tới Ukraine để thay thế cho các tổ hợp S-400 đã bị phá hủy.
Ảnh vệ tinh do tổ chức nghiên cứu nguồn mở Bellingcat phân tích cho thấy những động thái nói trên của Nga có thể đã được thực hiện hồi cuối tháng 10, với việc các máy bay vận tải quân sự vận chuyển các tổ hợp S-400 ra khỏi vùng Kaliningrad. Bộ Quốc phòng Anh gọi đây là các hoạt động vận chuyển đường không đặc biệt của Nga.
Hiện chưa rõ điểm đến của những tổ hợp S-400 này.
Vì sao Ukraine không đưa xe tăng M1A2 Abrams ra chiến trường dù Mỹ đã gửi từ lâu?
(PLO)- Chuyên gia cho rằng Ukraine sẽ chờ thời điểm chín muồi, có thể là mùa xuân tới, mới đưa xe tăng M1A2 Abrams được Mỹ gửi tới hồi tháng 9 ra chiến trường.