Chợ vắng khách, siêu thị tìm cách bình ổn giá
Đầu tháng 12/2023, ghi nhận của Người Đưa Tin cho thấy, khi kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nên hành vi mua sắm đã có nhiều thay đổi.
Bà Đoàn Thị Thu Hà, Giám đốc doanh nghiệp quản lý chợ Thủ Đức, nhận xét tình hình kinh doanh chậm có thể do người lao động siết chặt chi tiêu và một phần về quê sinh sống nên sức mua giảm mạnh. Lượng hàng hóa nhập về chợ hiện nay rất yếu, có tiểu thương mở cửa 3 ngày vẫn chưa có khách mở hàng.
Theo thống kê của Ban Quản lý chợ Thủ Đức, số lượng sạp đóng cửa tăng 45% so với năm 2022. Cụ thể, chợ Thủ Đức gồm có 3 khu, một khu trung tâm thương mại chuyên bán quần áo, vải sợi, giày dép, mỹ phẩm, ước tính doanh thu giảm 45% so với cùng kỳ. Chợ Thủ Đức A và B bán thực phẩm và các loại hàng hóa khác cũng giảm 35%.
Tại chợ An Đông, ngôi chợ sỉ nổi tiếng ở quận 5, tình hình sức mua giảm cũng không ngoại lệ. Nhiều sạp ở chợ này đang treo bảng sang nhượng, cho thuê lại hoặc đóng cửa vì không có khách. Chị Nguyễn Thu, nhân viên một sạp bán giày dép, cho biết tình hình bán hàng đang rất chậm, giảm đến 70% so với năm trước.
Tương tự, tiểu thương Ứng Thị Liên ở chợ đầu mối Bình Tây (quận 6) băn khoăn khi doanh thu bán hàng giảm đến 50% so với trước nên “nhiều tiểu thương ngành hàng bánh kẹo, quần áo… cũng nghỉ bán ngày Chủ nhật từ 4-5 tháng qua”.
Đại diện hệ thống siêu thị Co.opmart thông tin, thời gian qua có nhà cung cấp giữ giá nhưng cũng có nhà cung cấp đề nghị tăng giá vì lý do chi phí đầu vào tăng, nhưng hiện tại Saigon Co.op vẫn thực hiện chính sách kìm giữ giá vì 3 lý do.
Thứ nhất là sức mua hiện nay thấp. Thứ hai là nhà cung cấp phải chứng minh lô hàng đó ảnh hưởng trực tiếp của chi phí đầu vào tại thời điểm tăng giá thì mới tiếp tục xem xét điều chỉnh giá trong biên độ nhất định trên nguyên tắc chia sẻ lợi nhuận để kìm giữ giá.
“Điều thứ ba, Saigon Co.op có các hợp đồng giữ giá, bình ổn giá dài hạn với nhiều nhà cung cấp nên không sợ thiếu hàng, đặc biệt là nhóm hàng bình ổn giá, nhóm hàng thiết yếu nên sẽ chủ động điều tiết giá. Trường hợp một số nhóm hàng bị áp lực tăng giá, Saigon Co.op sẽ có nhóm hàng tương đương với giá tốt hơn để người tiêu dùng có thêm lựa chọn", đại diện Saigon Co.op nói.
Trong khi đó, phía Tập đoàn WinCommerce với chuỗi cửa hàng Winmart khẳng định nguồn cung lương thực, thực phẩm như rau, thịt, trái cây... luôn dồi dào nên giá cả không có nhiều biến động lớn, tương tự với ngành hàng bánh kẹo, đồ uống...
Để chuẩn bị cho các dịp cao điểm cuối năm và lễ tết, WinCommerce tích cực đàm phán, làm việc với các nhà cung cấp để mua sản lượng lớn từ 2 - 3 tháng trước đó, tăng sản lượng hàng hóa theo từng ngành hàng so với cùng kỳ năm ngoái.
Linh hoạt theo nhu cầu của người tiêu dùng
Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) cho biết, các nhà bán lẻ kỳ vọng tình hình kinh doanh hai tháng cao điểm Tết sẽ khả quan hơn ngày thường. Tuy vậy, họ cần phải nỗ lực giữ giá bình ổn, nguồn hàng sẵn sàng hơn thì mới hút được khách.
“Theo tôi, giải pháp kích cầu quan trọng hiện nay là gắn liền với bình ổn thị trường. Để chuẩn bị nguồn cung hàng hóa trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2024 khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, Bộ Công Thương đã xây dựng Chỉ thị về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Giáp Thìn 2024”, ông Đức chia sẻ.
Đến nay, nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường, bảo đảm cung ứng hàng hóa cho người dân tốt nhất trong dịp cuối năm. Các doanh nghiệp bán lẻ dự báo, trong dịp Tết năm nay khách hàng sẽ có xu hướng chi tiêu tiết kiệm do giá điện, giá xăng dầu tăng cao.
Vì vậy, bên cạnh làm việc với nhà cung cấp từ giữa năm để có phương án chuẩn bị nguồn hàng và mức giá hợp lý cho người tiêu dùng thì các đơn vị cũng chủ động những sản phẩm vừa túi tiền, không quá cầu kỳ, mang tính ứng dụng cao để phục vụ người tiêu dùng.
Doanh nghiệp bán lẻ linh động phối hợp với nhà cung cấp, đối tác nhằm tiết giảm chi phí tối đa và giảm lợi nhuận để mang lại giá cả hợp lý trong dịp Tết. Đồng thời, siêu thị triển khai chương trình Tết Nguyên đán 2024 với nhiều ưu đãi để người tiêu dùng có được mùa Tết trọn vẹn.
“Thị trường nội địa dịp cuối năm và Tết Giáp Thìn 2024, nhu cầu tiêu dùng của người dân theo thông lệ sẽ tăng lên trong những ngày giáp Tết. Song các khảo sát của chúng tôi cũng chỉ ra nhu cầu mua tích trữ hàng hóa của người dân giảm dần do sự phát triển của hệ thống phân phối và thay đổi thói quen tiêu dùng”, ông Đức đúc kết.
Bà Trần Như Quỳnh, Phó Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Tp.HCM cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn Tp.HCM đã tăng nhẹ với cùng kỳ nhưng vẫn chưa đạt so với giai đoạn trước dịch. Điều đó cho thấy sự tăng trưởng chưa bền vững và chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Theo bà Quỳnh, xu hướng tiêu dùng hiện nay trên địa bàn Tp.HCM đã có nhiều thay đổi trong khi sự bắt nhịp tại chợ truyền thống lại diễn ra chậm, chưa kể các kênh mua sắm online và kênh mua sắm hiện đại ngày càng phát triển cũng là một trong những yếu tố làm ảnh hưởng đến mãi lực của chợ truyền thống.
“Những tháng cuối năm, để kéo sức mua tại chợ truyền thống, cần có giải pháp căn cơ hơn với những giải pháp, mô hình phù hợp hơn như giảm giá các mặt hàng thiết yếu, tổ chức các chương trình mua sắm, sự kiện kích cầu tại chợ”, bà Quỳnh nói.
Đầu quý 4/2023, theo khảo sát của Nielsen IQ, phản ứng với đà tăng giá của thị trường, người tiêu dùng chọn lựa mua ít hàng hóa hơn, chọn thương hiệu rẻ hơn hoặc chọn phương án mua gói lớn (mua sỉ) để tiết kiệm hay mua hàng khuyến mãi. Do đó, các nhà bán lẻ cũng đang tìm cách thích ứng với xu hướng này.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM thừa nhận, hiện sức mua nội địa đang yếu và ảnh hưởng sản xuất của doanh nghiệp. Thị trường chỉ khởi sắc với ngành hàng tiêu dùng nhanh, còn nhiều nhóm hàng khác đang tiếp tục khó khăn. Kinh tế khó khăn, mất việc đang tác động lớn đến nhu cầu mua sắm, tiêu dùng.