Nhiều vấn đề xoay quanh việc sáng tác và xuất bản tác phẩm tại Pháp và Việt Nam của các tác giả được bàn luận sôi nổi.
Dấu ấn của tác giả Việt trong dòng văn học Pháp ngữ
Ba áng mây trôi dạt xứ bèo là cuốn sách viết bằng tiếng Pháp, xuất bản tại Pháp, kể những câu chuyện về chiến tranh và con người Việt Nam.
Tác phẩm từng được Ban độc giả và Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ở Pháp trao giải thưởng “Được yêu thích nhất năm 2013” và được đón nhận nồng nhiệt ở nhiều hội chợ sách uy tín ở châu Âu, trước khi được Nhà xuất bản Trẻ đưa về Việt Nam.
Tác giả Hồng Vân của Ba áng mây trôi dạt xứ bèo kể: “Tôi muốn viết nhiều về những điều liên quan đến đất nước, con người của mình. Bởi tôi có may mắn được dự nhiều hội sách ở các nước châu Âu và gặp gỡ độc giả.
Có những độc giả Mỹ đã khóc, họ cầm tay tôi và nói rằng đọc những quyển sách của người Việt thì mới hiểu vì sao vào những năm 1960, có những người Mỹ đã xuống đường biểu tình để phản đối cuộc chiến tranh tại Việt Nam”.
Linda Lê là một tác giả Pháp ngữ thành công ở nước ngoài. Bà có một chỗ đứng nhất định trong trái tim của những người yêu văn học Pháp. Tiểu thuyết Lame de fond (Sóng ngầm) của bà đã vào chung kết giải Goncourt 2012 - giải thưởng văn chương số 1 tại Pháp. Sau đó, cuốn sách cũng được xuất bản tại Việt Nam.
PGS.TS Phạm Văn Quang phân tích với các tác giả chọn viết tác phẩm của mình bằng ngôn ngữ khác tiếng mẹ đẻ, thì trong những suy tư và văn phong của họ đâu đó vẫn sẽ thể hiện linh hồn của dân tộc.
Nhiều độc giả tìm đọc các thể loại văn chương tự thuật bằng tiếng Pháp của các tác giả để có thể nghiên cứu lịch sử, phân tâm học, tâm lý học…
Ông Quang nói: “Từ việc tiếp cận câu chuyện của cá nhân, người ta sẽ muốn tìm hiểu câu chuyện lịch sử của quốc gia. Họ tìm đọc để xem tác giả nghĩ gì về bối cảnh xã hội khi ấy”.
Văn học Pháp ngữ tại Việt Nam chưa được đón nhận nhiều
Theo PGS.TS Phạm Văn Quang, đến năm 2010, có khoảng 400 tựa sách được xuất bản bằng tiếng Pháp của 180 tác giả người Việt.
Ông khẳng định: “Đây là một mảng văn chương rất cần được khai thác. Bởi văn học Việt Nam viết bằng tiếng Pháp là cầu nối của văn hóa Pháp - Việt”.
Tiếng Pháp là một trong những ngôn ngữ được sử dụng phổ biến trên thế giới. Do đó, văn học Việt Nam viết bằng tiếng Pháp sẽ đưa văn hóa Việt Nam đến gần hơn với độc giả quốc tế.
Nhưng có một thực tế phải thừa nhận rằng tại Việt Nam, sự đón nhận của độc giả đối với dòng văn học này chưa được nồng nhiệt.
Theo ông Quang, có hai lý do chính. Hiện nay, tại Việt Nam không có hệ thống xuất bản sách bằng tiếng Pháp và cũng rất khó để kiếm độc giả cho thể loại sách này vì những rào cản ngôn ngữ.
Giải pháp duy nhất là chuyển sang hình thức dịch lại bằng tiếng Việt.
Trong buổi chia sẻ, nhiều ý kiến cũng cho rằng những dòng văn học như thế này ngày càng khó phổ biến vì văn hóa đọc nhìn chung đang xuống cấp trầm trọng. Người ta chú trọng nhiều hơn đến văn hóa nghe - nhìn.
Nhà văn Hồng Vân cho biết tại Pháp, để khuyến khích văn hóa đọc, người ta phân bổ rất nhiều trạm đọc sách. Độc giả có thể vừa di chuyển trên đường, vừa đọc sách. Khi đọc xong thì sẽ trả sách về tại một trạm bất kỳ.
TTO - Xúc động sau khi xem phim tài liệu "Ranh giới", tiến sĩ Lê Hồng Phước đã viết nên bài vọng cổ cùng tên như lời tri ân anh gửi đến các nữ y bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương nhân Ngày phụ nữ Việt Nam 20-10, và tặng tất cả y bác sĩ tuyến đầu.