Mở cửa phiên giao dịch 4/12, giá vàng thế giới giao ngay tăng vọt thêm hơn 60 USD, tiến sát 2.140 USD một ounce. Hiện tại, giá đã lùi về 2.095 USD.
Đây là phiên thứ hai liên tiếp giá kim loại quý lập đỉnh lịch sử mới. Phiên 1/12, giá đóng cửa tại 2.071 USD. Trong phiên, vàng có thời điểm lên 2.075 USD, vượt kỷ lục cũ xác lập năm 2020.
Cơn sốt vàng toàn cầu không có dấu hiệu sẽ hạ nhiệt sớm. Giá được dự báo lập thêm nhiều đỉnh mới năm tới và sẽ duy trì trên mốc 2.000 USD, do bất ổn địa chính trị, USD có khả năng suy yếu và lãi suất toàn cầu có thể giảm.
Giá vàng đã tăng hai tháng liên tiếp, do xung đột tại Trung Đông kéo cao nhu cầu trú ẩn. Dự báo lãi suất giảm cũng càng hỗ trợ thị trường.
"Chúng tôi tin rằng các yếu tố chính nâng đỡ giá vàng năm 2024 sẽ là Fed giảm lãi suất, USD yếu đi và căng thẳng địa chính trị ở mức độ cao", BMI - bộ phận nghiên cứu thị trường của Fitch Solutions - nhận định. Vàng thường được chuộng trong thời kỳ biến động kinh tế - xã hội, do có khả năng lưu trữ giá trị.
Bart Melek - Giám đốc Chiến lược Hàng hóa tại TD Securities dự báo giá vàng đạt trung bình 2.100 USD trong quý II năm sau. Ông cho rằng lực mua vào mạnh của các ngân hàng trung ương sẽ củng cố đà tăng của vàng.
Khảo sát mới nhất của Hiệp hội Vàng Thế giới (WGC) cho thấy 24% ngân hàng trung ương toàn cầu dự định tăng dự trữ vàng trong 12 tháng tới. Nguyên nhân là họ đang ngày càng ngờ vực về vai trò tài sản dự trữ của đôla Mỹ.
Việc Fed chuyển hướng chính sách tiền tệ năm 2024 cũng có thể tác động đến giá vàng, Melek nhận định. Lãi suất thấp sẽ kéo giá USD xuống, từ đó khiến vàng hấp dẫn hơn với người mua ngoài Mỹ.
Hôm 29/11, thành viên Hội đồng Thống đốc Fed Christopher Waller dự báo Fed có thể nới lỏng chính sách nếu lạm phát tiếp tục hạ nhiệt trong 3-5 tháng tới. "Mốc 2.100 USD ngày càng khả thi trong quý tới, nếu không muốn nói là có thể còn sớm hơn", Nicky Shiels - Giám đốc Chiến lược Kim loại quý tại MKS PAMP dự báo hôm 3/12.
Hà Thu (theo CNBC, Kitco)