Từ đánh giá (review) của những người sáng tạo nội dung trên các mạng xã hội như YouTube, TikTok, một số loại đồ ăn, thức uống bỗng trở nên nổi tiếng, được giới trẻ đổ xô dùng thử và chia sẻ chóng mặt trên mạng. Nhiều người mở tiệm mới chuyên kinh doanh loại đồ ăn, thức uống tạo “sốt” này, nhiều quán hiện hữu lập tức bổ sung chúng vào thực đơn. Có thể kể, bánh đồng xu phô mai Hàn Quốc, mì ramen bọ biển Đài Loan, trà mãng cầu, cà phê dừa, cà phê muối, trà chanh giã tay, trà sữa đất nung, gỏi gà măng cụt…
Trên đường Nguyễn Thượng Hiền (quận 3, TPHCM), 3 quán giải khát sát nhau đều “bắt trend” trà chanh giã tay |
Theo ghi nhận của chúng tôi, trên đoạn đường Nguyễn Thượng Hiền (quận 3, TPHCM) chưa đầy 1km, đã có gần chục quán trà sữa, sinh tố treo biển bán thêm trà chanh giã tay. Một chủ quán cho biết, do trà chanh giã tay đang “hot” nên chị liền mua 3 cối giã (mỗi cối 200.000 đồng), máy xay, chanh Quảng Đông (khoảng 50.000-70.000 đồng/kg) để bán. Hiện có 70% khách mua nước ở quán chị chọn trà chanh giã tay. Các xe đẩy bán trà chanh giã tay cũng xuất hiện ngày một nhiều trên đường dù sức hút của thức uống này bắt đầu giảm.
Trong khi đó, rất nhiều quán bán trà mãng cầu, trà sữa từng đông khách một thời gian, nay bỗng biến mất. Ông Hoàng Việt - Giám đốc điều hành thương hiệu Laha Coffee - cho hay, sức mua đối với các thức uống theo trend (trào lưu) thường tăng vọt trong thời gian ngắn rồi nhanh chóng bị quên lãng. Vài tháng trước, cà phê muối lên cơn sốt nhưng nay không mấy nơi bán bởi lượng người mua không còn nhiều.
Bà Nguyễn Phi Vân - nhà sáng lập Go Global Holdings, chuyên gia về nhượng quyền thương hiệu - cho rằng, bán các đồ ăn, thức uống theo trend cũng là cách để người trẻ thử nghiệm khả năng kinh doanh của mình. Tuy nhiên, rất khó tạo được thương hiệu mạnh từ các sản phẩm dạng này. Trend thường do người khác tạo ra, nên muốn kinh doanh theo trend thành công, phải tham gia khi trend vừa hình thành. Ai đu trend trễ thì rất dễ bị lỗ lã bởi chưa kịp kiếm tiền thì trend đã xuống dốc, khách hàng đã hết quan tâm.
Ông Hoàng Tùng - sáng lập thương hiệu Pizza Home - cho rằng, kinh doanh theo trend là cơ hội để quán tăng doanh số, kéo được sự quan tâm của khách hàng. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn, những sản phẩm dạng trào lưu này tạo ra cơ hội nhiều hơn là rủi ro. Nhưng để tận dụng các sản phẩm có tính nhất thời này, người kinh doanh cần quan tâm đến 3 yếu tố: thời điểm, món và chi phí đầu tư. Nếu bán sản phẩm khi nó bắt đầu “hot” thì chủ quán có thể kiếm lời, người mới đầu tư sẽ thu hồi vốn nhanh. Về món, cần quan tâm yếu tố ngon miệng bên cạnh sự độc, lạ bởi nếu chỉ độc, lạ mà không ngon miệng thì người mua chỉ dùng thử 1 lần rồi không hào hứng nữa. Các sản phẩm theo trend chỉ rộ lên trong một thời gian, nên nếu đầu tư nhiều cho máy móc, thiết bị thì có thể không kịp thu hồi vốn khi thoái trào.
Ông Nguyễn Ngọc Luận - Giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu, sáng lập thương hiệu cà phê Meet More Coffee - cho rằng, để kinh doanh sản phẩm nào đó một cách bền vững, phải có sự nghiên cứu, thậm chí thuê đơn vị có chuyên môn nghiên cứu thị trường. Người kinh doanh cần xác định rằng, việc sáng tạo sản phẩm là đòi hỏi tất yếu, các trào lưu chỉ để tham khảo nhằm phát triển sản phẩm phù hợp. Không nên cứ chăm chăm bắt chước, bởi làm sau người khác mà chất lượng không bằng thì chắc chắn thất bại.
Tình cảnh của Trần Văn Kha nói trên là một điển hình của việc kinh doanh theo trào lưu mà người kinh doanh cần hết sức lưu ý.
Theo bà Nguyễn Phi Vân, một mô hình kinh doanh bền vững cần có giá trị cốt lõi của nó. Giá trị cốt lõi kết hợp với trend sẽ đem lại hiệu quả kinh doanh tốt hơn. Trend chắc chắn sẽ đi qua nhưng giá trị cốt lõi, dịch vụ cốt lõi sẽ còn mãi.
Quốc Thái
Xem thêm: lmth.4496051a-uul-oart-oeht-gnou-na-od-hnaod-hnik-uen-on-mo-ed/nv.moc.enilnounuhp.www