Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Hoàng Phúc, phó giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia (Bộ Y tế), tại hội thảo khoa học góp ý dự thảo đề cương Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy tạng. Hội thảo do Bộ Y tế tổ chức sáng 4-12 tại Hà Nội.
Cần đẩy mạnh truyền thông hiến mô, tạng
Ông Phúc khẳng định vai trò của truyền thông, vận động hiến tặng mô, tạng là rất quan trọng.
"Theo kinh nghiệm về hoạt động truyền thông tại Mỹ, Hàn Quốc..., vận động hiến tặng mô, tạng không chỉ thực hiện trên kênh truyền thông đại chúng mà tiếp cận ở nhiều môi trường khác nhau. Họ truyền thông ở cơ sở y tế, cơ sở giáo dục và cơ sở tôn giáo…
Bên cạnh đó, các nước cũng có nhiều hoạt động tưởng niệm, vinh danh người hiến mô, tạng như lễ vinh danh, vườn tưởng niệm… Rất nhiều quốc gia đã có Ngày hiến tạng như Ngày Hiến tạng Ấn Độ là ngày 3-8; Hàn Quốc ngày 9-9; Trung Quốc là ngày 11-6,…
Vì vậy, tôi nghĩ rằng Việt Nam cũng nên có một Ngày hiến tạng Việt Nam. Trong đó, trung tâm đề xuất ngày 1-7 là ngày Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác có hiệu lực (ngày 1-7-2007)", ông Phúc đề xuất.
Nhắc lại câu chuyện hiến giác mạc của bé Hải An (7 tuổi) năm 2018, ông Phúc nói sức mạnh lan tỏa của truyền thông lúc ấy vô cùng lớn. Câu chuyện của bé Hải An đã chạm được đến trái tim của nhiều người trong cộng đồng, số người đăng ký tham gia hiến mô, tạng lúc ấy đã tăng lên.
"Chúng ta không chỉ nói hiến tạng có ý nghĩa thế nào mà từ những câu chuyên cụ thể như vậy sẽ giúp cộng đồng hiểu hơn về việc hiến tạng, về nghĩa cử cao đẹp, cứu sống những người bệnh khác.
Tôi cũng nghĩ rằng, chúng ta hoàn toàn có thể đặt tên những con đường là tên người hiến tạng tiêu biểu để lan tỏa thêm việc hiến tặng mô, tạng trong cộng đồng", ông Phúc nói.
Bên cạnh đó, ông Phúc cũng cho rằng cần đưa chẩn đoán chết não và hiến tạng vào chương trình giảng dạy của hệ thống giáo dục; tích hợp đăng ký hiến tạng vào căn cước công dân. Đồng thời xây dựng chương trình phối hợp Bộ Y tế - Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Hội vận động hiến tạng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam.
Làm sao để tăng nguồn hiến tạng?
Theo ông Nguyễn Trọng Hưng, vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng hiện nay luật về hiến, lấy mô tạng có một số bất cập cần sửa đổi. Mục tiêu lớn nhất của việc sửa đổi là tăng nguồn hiến tạng.
Giải pháp đầu tiên là xây dựng được hệ cơ sở dữ liệu, tạo lập kết nối giữa người chờ hiến tạng và người hiến tạng tiềm năng. Hiện nay, hệ thống của chúng ta chỉ mới có thông tin người chờ hiến, nhưng chưa người có tiềm năng (hiến tạng sau khi chết, chết não).
Vì vậy, chúng ta cần hoàn thiện được cơ sở dữ liệu đồng bộ với tất các bệnh viện. Ngay khi người bệnh chết não, đối chiếu theo thông tin đăng ký hiến tạng tích hợp trên căn cước công dân sẽ có thể nhanh chóng lấy tạng của người hiến, cứu sống các bệnh nhân đang trong danh sách chờ", ông Hưng nói.
Ngoài ra, ông Hưng cũng đề xuất thêm chính sách cho gia đình người hiến tạng. Theo ông Hưng hiện nay có rất nhiều đối tượng được hưởng bảo hiểm y tế miễn phí. Trong khi đó, số người hiến tạng không nhiều, vì vậy có thể thêm bảo hiểm y tế để động viên, khuyến khích gia đình người hiến tạng.
TTO - Tính đến đầu tháng 12-2020, Quỹ đạo Phật ngày nay trực thuộc chùa Giác Ngộ (quận 10, TP.HCM) đã vận động được 519 người tham gia đăng ký hiến mô, tạng cứu người và hiến xác cho y học; nâng tổng số người đăng ký hiện tại lên gần 4.500 người.