2023 được xem là năm doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn khi cùng lúc đối mặt thiếu vốn, đói đơn hàng, thiếu nhân lực...
Giữa năm, theo báo cáo của Chính phủ, thậm chí có doanh nghiệp lớn buộc phải bán mình. Chính phủ sau đó đã có nhiều động thái gỡ khó với hàng loạt chỉ đạo nới tín dụng, cắt giảm chi phí, thủ tục, cải thiện môi trường kinh doanh. Ở hai quý cuối của năm, các chỉ số vĩ mô đã có nhiều cải thiện.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn nói, việc làm ăn thực tế còn nhiều khắc nghiệt. Sức cầu trong và ngoài nước còn thấp, khiến doanh nghiệp thận trọng, không dám đầu tư, vay vốn, bất chấp các ưu đãi tín dụng.
11 tháng qua, cả nước có hơn 146.000 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1,36 triệu tỷ đồng, tăng 6% về lượng nhưng giảm 7,9% về vốn, theo Tổng cục Thống kê. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 3,15 triệu tỷ đồng, giảm gần 30%. Số doanh nghiệp quay lại hoạt động cũng chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ. Trong khi đó, lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, dừng hoạt động chờ giải thể cùng tăng mạnh, lần lượt 21,7 và 26,3%.
Theo doanh nghiệp, họ đang cầm cự chờ đến 2024 - thời điểm được dự báo là thị trường xuất khẩu, chi tiêu toàn cầu tốt hơn. Các chỉ số quốc tế cũng nhìn nhận, tăng trưởng của Việt Nam trong 2024 sẽ có nhiều điểm tích cực hơn 2023.
Để góp phần giúp Chính phủ thấy rõ hiện trạng kinh doanh nửa cuối năm 2023, có chính sách hỗ trợ hiệu quả cho nền kinh tế năm 2024, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân và VnExpress thực hiện khảo sát với đại diện các doanh nghiệp, từ nay đến 8/12. Ý kiến từ doanh nghiệp của bạn sẽ được tổng hợp trong báo cáo, kiến nghị trình Thủ tướng