Những thông điệp được nêu lên bao gồm việc hãy ngừng chỉ thể hiện bằng lời nói mà hãy đoàn kết để giải quyết những vấn đề như ô nhiễm không khí và tình trạng lây lan của các bệnh dịch.
Mỗi năm, ô nhiễm không khí cướp đi sinh mạng của ít nhất 7 triệu người trên toàn cầu, các bệnh dịch như bệnh tả, sốt rét lan tràn do tình trạng nóng lên của Trái đất làm đảo lộn các hình thái thời tiết.
Quan chức Tổ chức Y tế thế giới cho hay, chỉ riêng nắng nóng đã gây áp lực lên cơ thể con người và làm tăng tỷ lệ mắc bệnh truyền nhiễm.
Tổng giám đốc WHO khẳng định, đã đến lúc Hội nghị của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu phải thảo luận các nguy cơ đối với sức khỏe con người, do tính 'tức thời và hiện hữu' của những nguy cơ này.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới nói: "Mặc dù khủng hoảng khí hậu là khủng hoảng y tế, nhưng COP27 đã không thảo luận về vấn đề sức khỏe. Rõ ràng, sức khỏe là lý do thuyết phục nhất để chúng ta hành động chống biến đổi khí hậu".
Bà Yseult Gibert - Bác sĩ Canada nhấn mạnh: "Không phải ai cũng biết khủng hoảng khí hậu chính là khủng hoảng y tế. Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến chúng ta do tình trạng ô nhiễm không khí. Phổi yếu sẽ gây áp lực cho hệ tim mạch, những mạch máu bị xơ vữa và tim. Biến đổi khí hậu cũng làm tăng bệnh dịch và tình trạng kháng thuốc".
Tuyên bố của COP28 được khoảng 120 nước ủng hộ đã nhấn mạnh mối liên hệ giữa sức khỏe con người và biến đổi khí hậu. Tuyên bố không nhắc đến việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, song cam kết ủng hộ các nỗ lực giảm ô nhiễm do lĩnh vực y tế gây ra, hiện chiếm 5% tổng phát thải toàn cầu.