Phía Trung Quốc nói tàu USS Gabrielle Giffords lớp Independence của Mỹ đã tiến sát khu vực đá Nhân Ái (tên Trung Quốc gọi bãi Cỏ Mây), xem đây là hành động "phá hoại nghiêm trọng hòa bình và ổn định trong khu vực".
Truyền thông Trung Quốc cũng tố Mỹ cố tình quấy rối, xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc. Bộ tư lệnh Chiến khu Nam Bộ (Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc - PLA) theo đó đã tổ chức lực lượng hải quân nhằm "giám sát chặt chẽ và cảnh báo" con tàu Mỹ.
Trong khi đó, hải quân Mỹ khẳng định tàu USS Gabrielle Giffords đã có hoạt động "bảo vệ tự do hàng hải" (FONOP), thực hiện các hoạt động như thường lệ trong "vùng biển quốc tế" ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế.
"Mỗi ngày Hạm đội 7 đều hoạt động ở Biển Đông, như cách họ đã làm trong nhiều thập niên. Các hoạt động này chứng minh cho cam kết của chúng tôi trong việc duy trì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở", Reuters dẫn tuyên bố của hải quân Mỹ.
Vụ việc này tiếp nối hàng loạt tranh cãi gần đây giữa Trung Quốc với Mỹ và Philippines liên quan tới Biển Đông.
Trong vài tháng qua, Philippines tố Trung Quốc "quấy rối" tàu Philippines tại các khu vực có tranh chấp ở Biển Đông.
Hôm 3-12, lực lượng tuần duyên Philippines triển khai hai tàu ở Biển Đông, sau khi phát hiện sự gia tăng số lượng tàu dân quân biển của Trung Quốc tại một khu vực mà Philippines cho là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Bắc Kinh cũng liên tục phản đối việc tàu Mỹ hiện diện ở Biển Đông. Ở sự kiện USS Gabrielle Giffords nêu trên, quân đội Trung Quốc khẳng định luôn trong tình trạng cảnh báo mức cao, kiên quyết "bảo vệ chủ quyền quốc gia".
Trong khi đó hải quân Mỹ đáp lại bằng cách khẳng định sẽ không để bị ngăn cản, đảm bảo không dừng việc phối hợp với các đồng minh và đối tác trong việc ủng hộ tầm nhìn về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Tuần trước Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. khẳng định nước này đang tiếp cận Việt Nam và Malaysia để thúc đẩy một "bộ quy tắc ứng xử của riêng chúng tôi" ở Biển Đông.