Theo báo cáo của Mordor Intelligence, quy mô thị trường thanh long toàn cầu dự kiến tăng từ 14,11 tỷ USD vào năm 2023 lên 17,5 tỷ USD vào năm 2028 với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm đạt 4,4%.
Thị trường thanh long đang phát triển với tốc độ mạnh mẽ do nhu cầu về quả thanh long tươi ngày càng tăng. Ngoài ra, nhu cầu về trái cây nhiệt đới đang gia tăng trong những năm gần đây nhờ các lợi ích về sức khỏe khác nhau và thu nhập khả dụng của người tiêu dùng gia tăng, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển. Tại châu Âu, mặc dù loại quả này còn khá mới và chưa được phổ biến rộng rãi nhưng thị trường này vẫn rất hứa hẹn và ngày càng thu hút nhiều người tiêu dùng.
Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương thống trị thị trường thanh long cả về sản lượng cũng như tiêu thụ. Thị trường thương mại thanh long chủ yếu xoay quanh các nước xuất khẩu lớn như các nước ở Đông Nam Á và Trung Mỹ, trong đó thanh long là một trong những loại trái cây xuất khẩu nổi bật của Việt Nam.
Ở khu vực, Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia là những nước sản xuất thanh long lớn nhất. Chỉ riêng Việt Nam đã đóng góp hơn 50% vào sản lượng thanh long toàn cầu và phần lớn được xuất khẩu.
Trung Quốc là nước tiêu thụ thanh long lớn nhất châu Á và cũng là nước tiêu thụ thanh long lớn nhất thế giới hiện nay. Nước này hiện cũng tiêu thụ nhiều nhất thanh long nguyên quả từ Việt Nam. Theo Bộ Công Thương Việt Nam, 80% thanh long sản xuất tại Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc, trong khi 99% thanh long tại thị trường Trung Quốc được nhập khẩu từ Việt Nam. Nhu cầu thanh long Việt Nam cao ở thị trường Trung Quốc chủ yếu do sản lượng lớn và tính kinh tế cao.
Vào tháng 5 năm 2020, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cấp phép cho một số loại thanh long tươi từ Indonesia, gồm thanh long ruột tím, thanh long ruột đỏ và thanh long ruột trắng. Đây là một trong những yếu tố thúc đẩy thị trường thanh long ở Trung Quốc.
Tại Việt Nam, tổng diện tích trồng thanh long năm 2019 khoảng 55.000 ha, trong đó giống ruột trắng chiếm hơn 95% sản lượng, tiếp theo là giống ruột đỏ với 4,5%. Thanh long chủ yếu được trồng ở các tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang với hơn 48.000 ha được sản xuất hàng năm. Tuy nhiên, thời gian gần đây sản xuất thanh long ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, một phần là do tác động của biến đổi khí hậu và dịch bệnh.
Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Hiệp định này cho phép hàng nhập khẩu của Việt Nam gần như được miễn thuế thương mại và giúp kiểm soát giá nhập khẩu thanh long ruột đỏ ruột đỏ trong khu vực. Do đó, xuất khẩu thanh long ruột đỏ từ Việt Nam sang Liên minh châu Âu được dự đoán sẽ tăng với tốc độ nhanh hơn trong giai đoạn 2023-2028.