Như Thanh Niên vừa đề cập, Sở Tư pháp TP.HCM thời gian qua liên tục gửi thư xin lỗi người dân vì các cơ quan chậm trả lời kết quả xác minh lý lịch tư pháp, dẫn đến nhiều người chưa thể tìm được công việc theo nhu cầu do không có phiếu lý lịch tư pháp.
Trường hợp anh B. (ngụ Q.4, TP.HCM) là một ví dụ. Anh B. đã 2 lần nhận được thư xin lỗi từ Sở Tư pháp TP.HCM vì sở trễ hẹn cấp phiếu lý lịch tư pháp cho anh, nguyên do "phải chờ kết quả xác minh của cơ quan tổ chức có liên quan".
Anh B. làm nghề chạy xe ôm công nghệ, đã nộp thư xin lỗi này cho hãng xe, để chứng minh việc chậm cung cấp phiếu lý lịch tư pháp không phải lỗi do anh. Tuy nhiên, hãng xe công nghệ không thông cảm và khóa app, không đồng ý để anh chạy xe chở khách nữa. "Vợ tôi sắp sinh rồi, tôi cần tiền để lo cho vợ con. Không có phiếu lý lịch tư pháp, tôi không thể chạy xe mưu sinh. Tôi thất nghiệp rồi!", anh B. buồn bã nói.
Quá phiền hà
Trường hợp của anh B. cũng là nỗi niềm của nhiều bạn đọc (BĐ). BĐ Giàu Lam nêu: "Phải có quy định rõ, xác đáng những công việc cần lý lịch tư pháp. Chứ hồ sơ xin việc lái xe công nghệ mà cũng cần lý lịch tư pháp thì phiền thật".
BĐ Phuong Nguyen chia sẻ một trải nghiệm "không vui vẻ gì mấy" liên quan đến thủ tục xin cấp phiếu lý lịch tư pháp: "Tôi chờ trả kết quả hơn 15 ngày xong nhận được phiếu sai thông tin giới tính, họ tên đánh sai chính tả. Giờ liên hệ, họ kêu lên sửa lại, cấp lại. Mà chỗ xin cấp thì lúc nào cũng đông nghẹt người. Đến nản".
Bên cạnh đó, nhiều BĐ cũng đặt câu hỏi về sự chậm trễ không đáng có trong khâu xác định lý lịch tư pháp. BĐ Tuan Hoang nêu ý kiến: "Tưởng bỏ hộ khẩu giấy sẽ giúp đơn giản thủ tục, ai ngờ giờ phải đi xin cấp từng tờ chứng nhận".
Cùng băn khoăn, một BĐ cho rằng: "Lý lịch tư pháp trước đây còn nhiêu khê vì điều này điều nọ. Nhưng nay đã có định danh điện tử, cùng mô hình chính quyền điện tử, mà lại không khá hơn thì lỗi tại ai?".
Sao không đồng bộ dữ liệu ?
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phan Thanh Tùng, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, giải thích: "Việc trễ hẹn có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là cơ quan phối hợp xác minh như Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia (Bộ Tư pháp), Cục Hồ sơ nghiệp vụ (Bộ Công an), Công an TP.HCM chậm trả kết quả xác minh". Đề cập các giải thích này, BĐ Q.Đường đặt câu hỏi: "Sao không đồng bộ dữ liệu lý lịch tư pháp với dữ liệu từ căn cước công dân? BHYT đã làm được, BHXH đã làm được, vậy sao tư pháp lại không làm được ?".
Mới đây, UBND TP.HCM đã có văn bản yêu cầu tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong việc tiếp nhận, giải quyết việc cấp phiếu lý lịch tư pháp. Theo UBND TP.HCM, một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp còn lạm dụng yêu cầu cung cấp phiếu lý lịch tư pháp để làm cơ sở tuyển dụng, quản lý, sử dụng lao động, đặc biệt là phiếu lý lịch tư pháp số 2 (liên quan đến án tích) trong những trường hợp không cần thiết.
Tuy nhiên, trên thực tế, phiếu lý lịch tư pháp "vẫn đang khiến người dân mệt mỏi". "Theo tôi, đây là dấu hiệu của bệnh quan liêu, khi chưa thể đáp ứng sự mong mỏi của người dân về cải cách thủ tục hành chính. Một chuyện tưởng chừng như nhỏ nhoi nhưng lại gây phiền hà cho người dân", BĐ Nam Việt nhận xét.
Tán thành, nhiều BĐ đề nghị các cơ quan quản lý cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính một cách triệt để theo hướng "càng ngày càng đơn giản, tiện lợi hơn cho người dân, nếu để xảy ra chậm trễ, thiệt hại phải xử lý nghiêm trách nhiệm".
Phải quy định rõ làm việc ở ngành nghề gì thì cần lý lịch tư pháp, còn lại là nghiêm cấm các doanh nghiệp tự ý yêu cầu lý lịch tư pháp của người lao động, nơi nào làm trái đề nghị xử lý thật nghiêm trước pháp luật.
Long Nguyen
Cần ghi nhận sự cầu thị của Sở Tư pháp TP.HCM khi họ xin lỗi người dân, chứng tỏ cũng nhìn ra được những điểm bất cập trong cải cách hành chính. Hy vọng sớm khắc phục.
Tuấn An