Lòng đường quanh vườn hoa Tây Sơn trên phố Quang Trung (P.Hàng Trống, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) lâu nay được vài cá nhân "trưng dụng" dùng làm nơi trông giữ ô tô, dù vườn hoa nằm gần trụ sở Công an Q.Hoàn Kiếm.
Một ngày đầu tháng 11.2023, PV Thanh Niên ghi nhận một người điều khiển ô tô có ý định đỗ xe quanh vỉa hè vườn hoa thì một người đàn ông xuất hiện, hướng dẫn chỗ đỗ và thu 30.000 đồng/lượt khi xe rời đi. Tình trạng thu tiền trái phép cũng có những trường hợp ngoại lệ, đó là không áp dụng với tài xế mặc cảnh phục, hoặc ai đỗ dưới 15 phút sẽ được miễn phí.
Để tận dụng tối đa lòng đường làm nơi giữ xe trái phép, một biển báo cấm đỗ được đặt gần ngã ba Quang Trung - Nhà Chung. Nếu thấy ô tô nào có ý định di chuyển từ phố Quang Trung rẽ vào phố Nhà Chung sẽ bị người đàn ông trên ngăn cản. Nói về việc thu tiền, người này cho biết: "Làm gì có nơi nào đỗ ô tô miễn phí".
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại khu vực ngã 3 Phùng Hưng - Lê Văn Linh (P.Hàng Mã, Q.Hoàn Kiếm). Trung tuần tháng 11.2023, chúng tôi theo chân anh T.C điều khiển ô tô đến khu vực cầu đường Phùng Hưng thì một người xuất hiện hướng dẫn anh T.C lái ô tô đỗ sát vòm cầu đường sắt Phùng Hưng. Tiền gửi ô tô ở đây được niêm yết với giá 25.000 đồng/giờ/xe. Với 2 giờ đỗ, anh T.C bị người này thu 50.000 đồng nhưng không đưa vé giữ xe. Sau khi thu tiền, người này quay về đầu phố Lê Văn Linh, nơi cắm biển cấp phép đỗ xe thu phí do Sở GTVT Hà Nội cấp cho Công ty CP chợ Đồng Xuân.
Dạo một vòng quanh các tuyến phố ở Hà Nội, không khó để bắt gặp cảnh ô tô, các phương tiện khác đỗ tràn lan trên vỉa hè, lòng đường. Trong đó phải kể đến bãi đỗ ô tô trái phép lớn nhất thủ đô kéo dài hàng trăm mét trên Vành đai 3, đoạn qua đường Nghiêm Xuân Yêm (P.Đại Kim, Q.Hoàng Mai). Nguyên nhân, 5 tòa chung cư của khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ (P.Đại Kim) không có hầm đỗ dành cho ô tô và quanh khu này còn nhiều bãi xe chưa triển khai theo quy hoạch. Theo Công an P.Đại Kim, có khoảng 60 - 70 ô tô của cư dân thường xuyên đỗ trái phép dưới lòng đường.
Theo anh N.V.T (cư dân tòa CT12A Kim Văn - Kim Lũ), sau nhiều lần mắc kẹt vì ô tô đỗ ở đường Nghiêm Xuân Yêm bị xe khác vây quanh, anh đã gửi xe vào bãi "lậu" giá hơn 1 triệu đồng/tháng, rẻ hơn tổng số tiền bị phạt khi đỗ xe dưới lòng đường. "Gửi xe bãi "lậu" thì tôi chấp nhận rủi ro nếu có cháy nổ, nhưng có chỗ gửi là may rồi", anh T. nói.
Có dân số hơn 532.000 người, Q.Hoàng Mai được quy hoạch 86 ô đất có chức năng bãi đỗ xe và kết hợp một phần là bãi đỗ xe. Tuy nhiên mới chỉ có 5 ô đưa vào hoạt động, 18 ô đang làm thủ tục và 63 ô chưa có nhà đầu tư.
Khi cao ốc không có bãi đỗ xe thì lòng đường, vỉa hè hiển nhiên biến thành nơi trông giữ phương tiện. Khi vỉa hè, lòng đường không thuận tiện để đỗ xe thì bãi xe "lậu" trên đất dự án bỗng trở thành cứu tinh cho việc đảm bảo trật tự đô thị của các địa phương.
Theo khảo sát, càng gần nội đô, giá trông ô tô ở bãi "lậu" càng đắt. Bãi tại Khu đô thị mới Đại Kim (P.Đại Kim, Q.Hoàng Mai), giá 1,3 triệu đồng/xe/tháng, có mái che. Còn tại bãi "lậu" ở 24 Đặng Tiến Đông (P.Trung Liệt, Q.Đống Đa, Hà Nội), giá gửi theo tháng có mái che là 2,2 triệu đồng/xe; không mái che là 1,8 triệu đồng/xe.
Khi PV Thanh Niên nhắc đến những bãi "lậu" trên địa bàn, các lãnh đạo phường ở Q.Hoàng Mai và Q.Đống Đa đều thừa nhận biết sự tồn tại của các bãi này. Do nhiều ô đất quy hoạch "đắp chiếu" nên bãi xe "lậu" giải quyết được nhu cầu đỗ xe của người dân. Đáng chú ý, một lãnh đạo phường cho hay dù xử lý nhiều lần nhưng sau đó bãi "lậu" vẫn tái phát vì nhu cầu gửi xe của người dân rất lớn.
Sau 20 năm kể từ khi ban hành Quyết định số 165/2003/QĐ-UB phê duyệt quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ xe và bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn, Hà Nội mới chỉ có 57/1.620 (khoảng 3,5%) bãi đỗ đang khai thác; 66/1.620 (khoảng 4%) bãi đang triển khai đầu tư.
Quy hoạch mạng lưới các bãi, điểm đỗ xe của Hà Nội bị "vỡ trận" một phần nguyên nhân do những ô đất dự án bãi đỗ xe kết hợp văn phòng bị chuyển đổi mục đích sử dụng.
Tháng 8.2019, thống kê của Ban Chỉ đạo 197 TP.Hà Nội thể hiện: TP có hơn 500 bãi giữ xe trái phép đang trông giữ hàng vạn ô tô. Ở thời điểm này, giá trung bình mỗi xe từ 30.000 đồng/lượt hay hơn 1 triệu đồng/tháng. Những năm sau đó, Ban Chỉ đạo 197 TP.Hà Nội đã không công khai số lượng bãi xe "lậu" trên địa bàn. Tại sao các bãi này vẫn ngang nhiên tồn tại dù không khó để phát hiện ra? Phải chăng, câu trả lời như kể trên của các lãnh đạo phường ở Q.Hoàng Mai và Q.Đống Đa là một phần nguyên nhân ?
Báo cáo mới đây của Sở GTVT Hà Nội cho thấy, các điểm, bãi đỗ công cộng trên địa bàn thành phố mới chỉ đáp ứng khoảng 8 - 10% nhu cầu đỗ xe của tổng số phương tiện hiện có. Còn lại khoảng 90% nhu cầu đang đỗ xe tại các bãi đất trống, đất xen kẹt, đất dự án chậm triển khai; các khu vực công cộng như lòng đường, vỉa hè, bãi xe trong bệnh viện, trường học, công viên… Gần 1,1 triệu ô tô, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành khác tham gia giao thông trên địa bàn, là áp lực quá lớn lên hạ tầng giao thông thủ đô.
Để đáp ứng phần nào nhu cầu đỗ xe của người dân, Hà Nội tiếp tục tận dụng một phần hè phố, lòng đường, gầm cầu cạn… làm nơi trông giữ phương tiện. Việc lệ thuộc vào các bãi xe tạm này ngày càng khiến mỹ quan đô thị của thủ đô trở nên nhếch nhác, lộn xộn. Do bị trưng dụng làm bãi đỗ ô tô, xe máy nên nhiều vỉa hè bị xuống cấp. Điều này cũng đồng nghĩa với việc không gian vỉa hè dành cho người đi bộ bị chiếm dụng hợp pháp.
Tính đến ngày 19.5.2023, Sở GTVT Hà Nội đã cấp phép sử dụng cho 40 đơn vị tại 214 vị trí, với diện tích là 37.985 m2 để trông giữ xe tạm thời dưới lòng đường. Theo rà soát, 17 UBND các quận, huyện, thị xã đã cấp phép sử dụng tạm thời để trông giữ xe trên hệ thống vỉa hè, lòng đường khoảng 422 điểm đỗ với diện tích 93.300 m2...
Vì sao bãi "lậu" có điều kiện tồn tại ?
Trước thực trạng bãi xe "lậu", lòng đường bị chiếm dụng trông giữ ô tô trái phép, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) chia sẻ, việc chính quyền địa phương vin vào lý lẽ bãi trông giữ xe "lậu" là giải pháp để đảm bảo trật tự đô thị trên địa bàn là không chấp nhận được. Điều này đồng nghĩa với việc chính quyền mặc nhiên chấp nhận để các bãi "lậu" này tồn tại.
"Phải chăng chính họ là người đã chống lưng cho các bãi "lậu" rồi được ăn chia lợi ích nên không dẹp bỏ, để tồn tại nhiều năm trời? Tôi thấy rõ ràng cần phải điều tra có sự ăn chia của phường tại các bãi "lậu" này hay không. Tôi đi thực tế thấy rất nhiều chỗ ở Hà Nội để ô tô đỗ, nhưng không biết ai đứng ra thu tiền, không biết người thu tiền thuộc cơ quan, đơn vị nhà nước hay tư nhân. Do đó, Hà Nội cần phải lập lại trật tự, kỷ cương về vấn đề này", ông Hòa nói.
(còn tiếp)