Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Science cho thấy chim cánh cụt chinstrap có thói quen ngủ độc đáo trong mùa sinh sản.
Tác giả nghiên cứu là nhà sinh thái học hành vi Won Young Lee thuộc Viện Nghiên cứu Địa cực Hàn Quốc. Từ gần 10 năm trước, ông đã để ý đến cách ngủ của loài chim cánh cụt chinstrap, tên khoa học Pygoscelis antarcticus, khi đang làm tổ trên đảo King George, thuộc Nam Cực.
Ông Lee bắt đầu hợp tác với nhà sinh lý học về giấc ngủ Paul-Antoine Libourel thuộc Trung tâm nghiên cứu khoa học thần kinh Lyon (Pháp) để cùng khám phá giấc ngủ ở những con chim cánh cụt này.
Khi thu thập dữ liệu, nhóm sử dụng các thiết bị đo hoạt động não của chim và các công cụ ghi lại chuyển động, vị trí của chúng.
Kết quả, các nhà nghiên cứu nhận thấy vào mùa sinh sản, giấc ngủ của chim cánh cụt chinstrap vô cùng rời rạc.
Trung bình chúng ngủ hơn 600 giấc ngắn mỗi giờ, mỗi giấc trung bình chỉ 4 giây. Thậm chí đôi khi chim cánh cụt ngủ chỉ với nửa bộ não.
Tổng cộng, nhóm đếm được mỗi ngày một con chim cánh cụt "ngủ gật" khoảng 10.000 lần. Tuy nhiên, 10.000 lần ngủ gật này tương đương hơn 11 giờ ngủ cho mỗi bán cầu não.
Chuyên gia Lee cho rằng cách ngủ khác thường của chim cánh cụt chinstrap vẫn cân bằng được nhu cầu não nghỉ ngơi và nhu cầu hoạt động mùa sinh sản.
Thời điểm này, chim cánh cụt thường phải cảnh giác cao độ để bảo vệ trứng, đặc biệt trước những kẻ cướp chực chờ như chim Stercorarius antarcticus. Ngoài ra, bầy chim cánh cụt trong mùa sinh sản thường rất ồn ào, có khi hỗn loạn, dễ làm gián đoạn giấc ngủ.
Ngoài chim cánh cụt chinstrap, một số loài động vật khác cũng có cách ngủ đặc biệt. Chẳng hạn, cá heo có thể ngủ bằng nửa bộ não liên tục và duy trì trạng thái cảnh giác trong hơn 2 tuần. Vịt trời cũng biết ngủ nửa bộ não.
Tuy nhiên theo chuyên gia Lee, ngủ nửa bộ não bằng giấc ngủ cực ngắn chỉ vài giây như chim cánh cụt chinstrap thì chưa từng có ở các loài khác.
"Giấc ngủ rất đa dạng và linh hoạt trong thế giới tự nhiên. Bằng cách nghiên cứu cách ngủ, chúng ta có thể hiểu động vật đã tiến hóa như thế nào để bộ não hồi phục tốt nhất", ông Lee nói.
Chim cánh cụt mào dựng luôn loại bỏ quả trứng đầu tiên chúng đẻ ra là do chúng không thể nuôi dưỡng cùng lúc 2 chim non.