vĐồng tin tức tài chính 365

Cho thuê tài sản công, khó trăm bề

2023-12-05 10:01
Trung tâm Thể dục thể thao quận Phú Nhuận từng có đề án cho thuê tầng 1 khu vực hành lang nhà thi đấu số 1 Hoa Phượng làm cơ sở phục hồi sức khỏe cho vận động viên - Ảnh: T.T.D.

Trung tâm Thể dục thể thao quận Phú Nhuận từng có đề án cho thuê tầng 1 khu vực hành lang nhà thi đấu số 1 Hoa Phượng làm cơ sở phục hồi sức khỏe cho vận động viên - Ảnh: T.T.D.

Đến nay tại TP.HCM mới chỉ có 4/737 đề án cho thuê, liên doanh, liên kết tài sản công được phê duyệt.

Nhiều tài sản đáng ra phải đưa vào sử dụng phục vụ người dân thì giờ bỏ hoang, lãng phí. Vì sao?

Đề án trình nhiều lần rồi... bỏ ngang

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và nghị định 151 năm 2017 quy định cho phép đơn vị sự nghiệp công lập được phép sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, kinh doanh, liên doanh, liên kết sử dụng tài sản, đất đai trong trường hợp tài sản được giao chưa sử dụng hết công suất.

Muốn cho thuê, kinh doanh... thì phải lập đề án, thế nhưng đến nay gần sáu năm, tại TP.HCM rất ít đề án được duyệt.

Hội trường Trung tâm Văn hóa quận Phú Nhuận (70-72 Nguyễn Văn Trỗi, phường 8, quận Phú Nhuận) rộng gần 1.000m2.

Trong đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê trình từ năm 2019, trung tâm này đề xuất xã hội hóa, đấu giá cho đơn vị chuyên nghiệp vào khai thác, vận hành để tạo nguồn thu cho trung tâm.

Qua đó tạo lập sân khấu chuyên nghiệp cho các đơn vị tổ chức các buổi biểu diễn.

Tuy nhiên, gần bốn năm nay đề án không được duyệt, hội trường chỉ để tổ chức một số chương trình và hội diễn phong trào của quận.

Lâu lâu có một vài đơn vị thuê hội trường theo giờ để tổ chức hội diễn văn nghệ.

Ông Nguyễn Quốc Phúc - giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao quận Phú Nhuận - chia sẻ đề án chưa được thông qua, việc đấu giá cho thuê mặt bằng hội trường rất khó, đơn vị chỉ duy trì hoạt động cầm hơi.

Nếu đề án được duyệt, phương án đấu giá hợp lý sẽ tạo điều kiện để một đơn vị chuyên nghiệp vào làm sân khấu, tổ chức các hoạt động chuyên nghiệp sẽ tạo nguồn thu lớn hơn.

Theo ông Phúc, ngoài hội trường, trong đề án còn đề xuất cho thuê một số bãi giữ xe, căng tin, cửa hàng thể thao ở các câu lạc bộ, sân bóng thuộc sự quản lý của trung tâm.

"Trung tâm là đơn vị sự nghiệp tự chủ chi thường xuyên. Nếu tạm thời không cho thuê các mặt bằng này sẽ không có tiền duy trì hoạt động, nhưng cho thuê khi đề án chưa thông qua cũng lấn cấn quy định", ông Phúc nói.

Ngoài đề án của trung tâm văn hóa, từ năm 2019, UBND quận Phú Nhuận cũng trình cấp trên xem xét đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê của trung tâm thể dục thể thao (nay hai đơn vị sáp nhập thành trung tâm văn hóa, thể thao). Đến nay đã gần bốn năm nhưng đề án vẫn chỉ nằm trên giấy, đơn vị lập đề án "nản" không muốn trình lại.

Chỉ 4/737 đề án được duyệt

Thực trạng trên là khó khăn chung của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TP.HCM. Riêng tại TP Thủ Đức hiện quản lý 164 đơn vị sự nghiệp công lập. Các đơn vị đều có nhu cầu sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê phải lập đề án, nhưng đến nay cũng chưa có đề án nào được phê duyệt.

Hiện nay, toàn TP.HCM có gần 1.900 đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó 386 đơn vị sự nghiệp công lập khối TP và 1.486 đơn vị sự nghiệp công lập khối quận, huyện) với rất nhiều mô hình, lĩnh vực hoạt động khác nhau.

Phần lớn các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa thể thao, đều có nhu cầu sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê.

Trong đó, mục đích chính cho thuê để làm căng tin, bãi giữ xe và các dịch vụ khác phục vụ nhu cầu y tế, giáo dục, thể thao, vui chơi, giải trí... của người dân, khách đến liên hệ, giao dịch.

Nhưng do nội dung xây dựng đề án khá phức tạp, đòi hỏi Sở Tài chính phải mất nhiều thời gian để nghiên cứu, kiểm tra, đối chiếu. Đến nay mới chỉ có 4/737 đề án cho thuê, liên doanh, liên kết tài sản công được UBND TP.HCM phê duyệt.

Ông Nguyễn Lê Minh, trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch quận Phú Nhuận, cho biết đề án cho thuê, liên doanh, liên kết không được phê duyệt khiến các đơn vị lúng túng trong việc vận hành các tài sản công.

Theo ông Minh, trong thời gian chờ sửa đổi nghị định 151, quận Phú Nhuận hướng dẫn các đơn vị phải tự đứng ra làm bãi xe, căng tin.

"Hiện nay quy định về cho thuê chưa rõ ràng, có nhiều cách hiểu, trong khi một trụ sở không thể không có căng tin, bãi giữ xe.

Cái khó là có đơn vị sự nghiệp công lập chỉ hoạt động thuần chuyên môn, việc vận hành cần phải có đơn vị khác. Nhưng cho thuê như thế nào thì lại đang bỏ ngỏ, rất lúng túng", ông Minh nêu thêm thực trạng.

Bãi giữ xe tại Trung tâm Văn hóa quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Bãi giữ xe tại Trung tâm Văn hóa quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Cần sửa ngay luật để tránh lãng phí

Báo cáo của UBND TP gửi Bộ Tài chính đã nêu khó trăm bề khi duyệt các đề án. UBND TP cho biết theo quy định Sở Tài chính là cơ quan thẩm định, chủ tịch UBND TP là người có thẩm quyền phê duyệt đề án.

Tuy nhiên, với số lượng, khối lượng công việc TP phải xem xét, xử lý khá lớn và việc xem xét, thẩm định, có ý kiến và phê duyệt từng đề án mất rất nhiều thời gian và không kịp thời, tạo áp lực rất lớn cho UBND TP và Sở Tài chính.

Từ đó, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, báo cáo để sớm sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và nghị định 151.

Theo hướng cho chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan chuyên môn và chủ tịch UBND các quận, huyện phê duyệt đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê.

Việc này nhằm giúp các đơn vị sự nghiệp công lập chủ động, kịp thời trong việc tổ chức các hoạt động phụ trợ, hỗ trợ trực tiếp cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mà vẫn bảo đảm công khai, minh bạch trong việc quản lý, sử dụng tài sản công.

Đà Nẵng có nhiều tài sản công được lập đề án cho thuê

Tại Đà Nẵng, chỉ tính riêng đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực văn hóa, thể thao đã có nhiều đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, kinh doanh được thành phố ra quyết định phê duyệt được đấu giá cao gấp 2 - 3 lần giá khởi điểm.

Trung tâm Thể dục thể thao Đà Nẵng đã xây dựng ba đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê đối với các công trình Cung thể thao Tiên Sơn, sân tập golf Thanh Niên.

Đến nay, sân tập golf Thanh Niên đã tổ chức đấu giá cho thuê hoạt động và tiến hành ký hợp đồng với đơn vị trúng thầu thời gian cho thuê là 10 năm tính từ tháng 5-2019 với giá trị hợp đồng là 24,25 tỉ đồng.

Trong khi đó, riêng tại Cung thể thao Tiên Sơn đơn vị này có tới hai đề án cho thuê tùy theo khu vực.

Ông Trần Công Tự, giám đốc Trung tâm Thể dục thể thao Đà Nẵng, cho biết tính riêng đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực văn hóa, thể thao đã có hàng chục đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh được phê duyệt, tạo nguồn thu cho ngân sách hàng tỉ đồng.

Đặc biệt tại các thiết chế văn hóa như bảo tàng, thư viện, nhà thi đấu vốn có không gian rộng và cảnh quan thích hợp cho việc kinh doanh được bỏ thầu rất cao.

Như tại khu vực mặt tiền của Thư viện Đà Nẵng hướng ra phía bờ sông vừa qua đã được đấu giá cho thuê với số tiền lên tới hơn 3 tỉ đồng/năm. Đây là kết quả bất ngờ khi mà giá khởi điểm dự tính ban đầu đưa ra là 1,2 tỉ đồng/năm.

Sẽ hướng dẫn rõ hơn quy định liên doanh, liên kết

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Bộ Tài chính cho biết theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, tài sản của đơn vị sự nghiệp công lập trước hết phải được sử dụng để phục vụ việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

Do vậy, các đơn vị sự nghiệp công lập phải sử dụng tài sản của mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết chỉ được áp dụng trong trường hợp tài sản không sử dụng hết công suất hoặc các dự án được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn không phải ngân sách nhà nước chỉ để sử dụng vào kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.

Theo Bộ Tài chính, thời gian vừa qua có các trường hợp xác định việc sử dụng tài sản công để thực hiện nhiệm vụ chính trị hay là hoạt động sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết còn chưa phù hợp.

Có trường hợp sử dụng tài sản công để thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao (căng tin, bãi để xe phục vụ giáo viên, học sinh, sinh viên của trường học, nhân viên, bệnh nhân của bệnh viện...) nhưng vẫn yêu cầu phải lập đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.

Chính điều này dẫn tới "ách tắc" trong thực hiện, làm ảnh hưởng tới hoạt động của một số đơn vị sự nghiệp công lập.

Để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho quá trình tổ chức thực hiện, khai thác có hiệu quả nhất tài sản, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 151.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM: Cần phân cấp ủy quyền phê duyệt đề án cho thuê tài sản côngPhó chủ tịch UBND TP.HCM: Cần phân cấp ủy quyền phê duyệt đề án cho thuê tài sản công

Theo quy định cho thuê tài sản công phải do UBND TP phê duyệt đề án, việc này tạo áp lực rất lớn cho ủy ban khi đề án lớn, nhỏ đều gửi về. Lãnh đạo UBND TP cho rằng cần phải phân cấp ủy quyền.

Xem thêm: mth.9190043240213202-eb-mart-ohk-gnoc-nas-iat-euht-ohc/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Cho thuê tài sản công, khó trăm bề”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools