Hội nghị diễn ra vào ngày 5-12 do Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre tổ chức nhằm công bố quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 11-2023.
Theo ông Trần Ngọc Tam, quy hoạch tỉnh Bến Tre được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ sở quan trọng để hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
"Ưu tiên phát triển mạnh về hướng đông với điểm nhấn là khu lấn biển diện tích khoảng 50.000ha để mở rộng không gian phát triển, nhằm phấn đấu đến năm 2030 tỉnh Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước", ông Tam nhấn mạnh.
Theo quy hoạch vừa được công bố, tỉnh Bến Tre được tổ chức thành 3 vùng kinh tế - xã hội gồm vùng ven biển phía đông; vùng bắc sông Hàm Luông và vùng nam sông Hàm Luông.
Vùng phía đông (huyện Ba Tri, huyện Bình Đại, huyện Thạnh Phú và không gian biển thuộc địa phận tỉnh Bến Tre với chiều dài 65km) là vùng động lực phát triển của tỉnh, đột phá là các ngành kinh tế biển.
Trong vùng kinh tế này chủ yếu phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp; năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản theo hướng công nghệ cao; kinh tế hàng hải; dịch vụ và du lịch; vui chơi giải trí, sân golf…
Hai vùng còn lại là bắc sông Hàm Luông (TP Bến Tre, huyện Châu Thành và huyện Giồng Trôm) và nam sông Hàm Luông (huyện Mỏ Cày Bắc, huyện Mỏ Cày Nam và huyện Chợ Lách) tập trung phát triển đô thị - dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.
Nhận định độ mặn trên các nhánh sông chính sẽ tăng dần theo các đỉnh triều, Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre đã khuyến cáo người dân sống cách cửa sông từ 31-37km trở xuống kiểm tra độ mặn khi vận hành cống và sử dụng nước sông trực tiếp.