Chiến thuật này có thể phá hủy toàn bộ hệ thống đường hầm bằng nước biển, đẩy các binh sĩ của tổ chức Hồi giáo người Palestine Hamas vào thế buộc phải “xuất đầu lộ diện”.
Israel đã thông báo cho Mỹ
Một số nguồn tin cho biết Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã lắp đặt thành công các máy bơm nước biển lớn cách trại tị nạn Al-Shati khoảng 1,6km về phía bắc từ giữa tháng 11.
Năm máy bơm có thể hút nước từ Địa Trung Hải, trong đó mỗi máy có thể bơm hàng nghìn mét khối nước mỗi giờ và chuyển nước đến các đường hầm của Hamas. Việc bơm nước biển sẽ khiến hệ thống đường hầm này bị ngập chỉ trong vài tuần.
Cũng theo Wall Street Journal, giới chức Israel dường như đã thông báo cho Washington về chiến thuật này hồi đầu tháng 11.
Khi đó một cuộc thảo luận đã diễn ra về tính khả thi của chiến thuật lấy nước biển lấp đường hầm. Mỹ và Israel cũng đặt tác động môi trường và giá trị quân sự của chiến thuật này lên bàn cân để xem xét.
Một quan chức Israel cho biết kế hoạch đổ nước biển đầy các đường hầm có thể sẽ kéo dài vài tuần, đủ để các chiến binh Hamas và con tin có thêm thời gian di chuyển lên mặt đất.
Không rõ liệu Israel có triển khai kế hoạch này trước khi tất cả các con tin được thả tự do hay không.
Cho đến nay Israel xác định được khoảng 800 đường hầm bên dưới lòng đất Dải Gaza, dù Tel Aviv cũng thừa nhận mạng lưới đường hầm có thể còn lớn hơn như thế nhiều.
Không thể đánh giá tác động của kế hoạch này
Ông Jon Alterman - phó chủ tịch cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington - nhận định rằng do không rõ độ thấm của đường hầm hay lượng nước biển thấm vào đất gây ảnh hưởng ra sao, nên phía Mỹ vẫn chưa thể đánh giá đầy đủ các tác động của việc bơm nước biển làm ngập đường hầm.
Trong khi đó các cựu quan chức Mỹ có liên quan xác nhận giới chức Mỹ và Israel đã thảo luận về kế hoạch đổ nước biển làm ngập các đường hầm. Tuy nhiên, cả Washington và Tel Aviv đều không nêu rõ tiến trình hiện tại của kế hoạch này.
Các cựu quan chức Mỹ thừa nhận kế hoạch trên có thể sẽ đẩy chính quyền Tổng thống Joe Biden vào thế khó, khiến người dân trên toàn thế giới lên án, nhưng đây là một trong số ít lựa chọn hiệu quả để vô hiệu vĩnh viễn hệ thống đường hầm dài hơn 482km của Hamas.
Ông Wim Zwijnenburg - chuyên gia nghiên cứu tác động của chiến tranh đến môi trường - ước tính Israel sẽ phải bơm khoảng 1 triệu mét khối nước biển để vô hiệu hóa khoảng 2/3 mạng lưới đường hầm còn đang hoạt động bên dưới Dải Gaza.
Liệu có ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt ở Dải Gaza?
Việc Israel lên kế hoạch đổ nước biển vào đường hầm cho thấy một thực tế Israel vừa phải cân nhắc giữa việc theo đuổi mục tiêu chiến tranh, vừa phải đối mặt với áp lực từ quốc tế về vấn đề mạng sống của dân thường.
Ông Mick Mulroy - cựu phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ - nhận định nếu nguồn nước ngọt bị nhiễm mặn do kế hoạch trên của Israel, cuộc khủng hoảng nhân đạo sẽ càng trầm trọng hơn.
Hiện nay hầu hết người dân Gaza không có nước sạch để sử dụng. Các nguồn cung nước uống đã đình trệ do các nhà máy lọc nước ở khu vực này đã ngưng hoạt động do ảnh hưởng của cuộc xung đột.
Các thông tin cho thấy Hamas có thể làm ngập các đường hầm gần Địa Trung Hải, từ đó làm ngập các khu vực chiến lược ở Gaza và làm suy giảm hỏa lực vượt trội của Israel.