Ngày 5/12, Tọa đàm "Tắt sóng 2G, đưa người dân lên môi trường số" do CLB Nhà báo Công nghệ thông tin tổ chức đã diễn ra tại Tp.Hà Nội.
Đây là sự kiện nhằm lắng nghe tiếng nói của cơ quan quản lý, các doanh nghiệp viễn thông về lộ trình tắt sóng 2G, cũng như tác động của việc này tới người dùng, thị trường viễn thông trong nước.
Tắt sóng 2G càng sớm càng tốt
Phát biểu tại toạ đàm, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn Thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) cho rằng, một nhà mạng không thể tồn tại đồng thời công nghệ 2G, 3G, 4G, 5G.
Chính vì vậy, việc tắt 2G là cần thiết, góp phần giảm thiểu những khó khăn cho các thiết bị phát sóng, đây là chủ trương đúng đắn của Bộ, được các doanh nghiệp, nhà mạng ủng hộ.
"Đến năm 2030, định hướng của Bộ TT&TT sẽ bắt đầu công nghệ 6G. Vì vậy, các điện thoại công nghệ 2G sẽ không còn được sử dụng, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường", ông Nhã thông tin.
Đồng quan điểm với ông Nhã, ông Nguyễn Đình Hùng- Chuyên gia viễn thông, Giám đốc True IDC Việt Nam nêu quan điểm: “Đối với Việt Nam, việc tắt 2G nên được thực hiện càng sớm càng tốt.
Duy trì giữ 2G rất tốn điện, cũng như không đem lại nhiều giá trị sử dụng cho người dùng. Trong khi đó, chúng ta đáng lẽ nên được tiếp cận với những dịch vụ, tiện ích tốt hơn”, ông Hùng nói.
Ở một góc nhìn khác đối với doanh nghiệp, việc chuyển đổi lên công nghệ cao hơn cũng sẽ có lợi hơn về mặt phát triển bền vững, hơn là tiếp tục duy trì công nghệ cũ, lạc hậu.
Theo ông Hùng, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội làm tốt chuyển đổi này, bởi 4G về cơ bản đã hoàn toàn hội nhập và tương thích với đa số người dân.
Cùng với đó, việc người dân đa phần ai cũng sở hữu một chiếc điện thoại thông minh, tiếp cận quen với smartphone là lợi thế trong việc thực hiện tắt sóng 2G.
Ông Đoàn Quang Hoan, Tổng Thư ký Hội Vô tuyến Điện tử chia sẻ: “Việt Nam không đưa ra sáng kiến tắt sóng 2G. Chúng ta đang bước theo xu hướng của thế giới. Đây là một chủ trương đúng đắn của Bộ TT&TT”.
Ông Hoan nhận định, việc tắt sóng 2G giúp người dùng sẽ loại bỏ dịch vụ chất lượng thấp. Giảm bớt chi phí khai thác, góp phần giúp xã hội phát triển công nghệ xanh cho doanh nghiệp.
Đặc biệt góp phần giúp Nhà nước giải phóng băng tần công nghệ cũ, sử dụng công nghệ mới mang lại hiệu quả cao hơn, phù hợp với chuyển đổi số quốc gia.
Đại diện các công ty công nghệ viễn thông Viettel, VNPT, Mobifone, Vietnamobile đều cho rằng chủ trương tắt 2G của Bộ TT&TT là hết sức đúng đắn, phù hợp với xu thế, mong muốn của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và nhu cầu của khách hàng xã hội.
Rào cản lớn nhất là chi phí
Thời gian qua, các nhà mạng cũng đã áp dụng rất nhiều các chính sách ưu đãi, khuyến khích người dân chuyển đổi từ 2G sang sử dụng 3G, 4G như: hỗ trợ 50% giá máy cho khách hàng chuyển từ 2G lên 4G, hỗ trợ đổi sim card miễn phí...
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó ban Công nghệ Tập đoàn VNPT, việc thực hiện chuyển đổi còn nhiều khó khăn.
"Rào cản lớn nhất trong việc tắt 2G là chi phí chuyển đổi sang công nghệ mới như truyền thông, rà soát cơ sở hạ tầng. Thứ hai chính là kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi cho khách hàng sang công nghệ mới cũng sẽ tốn rất nhiều chi phí như về nguồn lực. Ước tính lên đến hàng nghìn tỷ đồng".
Bên cạnh đó, Ông Lê Mai Sơn, Phó ban Truyền thông Mobifone, dù trong thời gian qua, công ty đã cố gắng thông tin về việc chuyển đổi từ 2G sang 3G,4G, nhưng do số lượng kênh truyền thông còn hạn chế, không phải ai cũng quan tâm đến tin nhắn từ nhà mạng dẫn đến việc việc nhiều thuê bao vẫn không nắm bắt được.
Chính vì vậy, cần đồng bộ công tác tuyên truyền trên toàn xã hội. Các cơ quan quản lý Nhà nước, và doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với nhau, tạo ra các chiến dịch để người dân hiểu đó là quyền lợi.
Ông cũng cho rằng, nên có thời điểm chung cụ thể để các nhà mạng đồng thời tiến hành tắt sóng 2G, tránh sự so sánh của khách hàng giữa các bên.
Nói thêm về những khó khăn trong quá trình tắt 2G, ông Nguyễn Trọng Tính - Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom, Viettel cho biết, khó khăn đầu tiên là về con số, số lượng thuê bao 2G của Viettel hiện là 15-16%, một con số khá lớn, cần thời gian để chuyển đổi.
Tiếp theo đó là rào cản về thu nhập. Khi chuyển đổi lên smartphone, khách hàng phải bỏ ra một khoản tiền để thay thế.
Ngoài ra, trên hệ thống kênh phân phối bán lẻ, đặc biệt là khu vực nông thôn miền núi, vẫn có những điểm bán thuê bao 2G cũ, không chính thống, dẫn đến khi khách hàng khi có nhu cầu mua mới, đã vô tình mua máy 2G.
Phần lớn người dùng 2G đều có tâm lý cho rằng khi mua smartphone thì sẽ khó dùng, không muốn thay đổi, dùng 4G phát sinh nhiều chi phí…..
Bên cạnh đó, đối tượng khách hàng đang sử dụng 2G chủ yếu ở nông thôn, miền núi, khả năng tiếp cận thông tin, tiếp cận các kênh chuyển đổi còn thấp thấp, dẫn đến chuyển đổi dịch vụ khó hơn.
Nói về giải pháp hỗ trợ đối tượng thuộc diện ưu tiên như vùng sâu xa, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong việc chuyển đổi sang công nghệ mới, ông Nguyễn Phong Nhã thông tin, Cục Viễn thông Công ích, Bộ TT&TT sẽ tài trợ 400.000 máy điện thoại để hỗ trợ.
Về phía các nhà mạng cũng cần có những thống kê từ các quận, huyện ở mọi khu vực trên cả nước, từ đó có các phương án hỗ trợ người sử dụng ở một số vùng khó khăn chuyển sang công nghệ mới.
Thu Hương