Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong tháng 11/2023 đạt 65 nghìn tấn, trị giá 358 triệu USD, tăng 1,1% về lượng và tăng 0,03% về trị giá so với tháng 10/2023, so với tháng 11/2022 tăng 34,5% về lượng và tăng 30,7% về trị giá.
Tính chung 11 tháng năm 2023, xuất khẩu hạt điều của nước ta ước đạt 582 nghìn tấn, trị giá 3,31 tỷ USD, tăng 23,1% về lượng và tăng 17,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Ước tính giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam trong tháng 11/2023 đạt mức 5.512 USD/tấn, giảm 12,6% so với tháng 10/2023 và giảm 2,8% so với tháng 11/2022.
Lũy kế 11 tháng năm 2023, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.682 USD/tấn, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về cơ cấu chủng loại, thông tin trên BĐT Đảng Cộng sản, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu chủng loại hạt điều W320, W240, W180, tỉ trọng chiếm 63,51% tổng lượng và 69,84% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Do đó, tăng trưởng xuất khẩu các chủng loại hạt điều trên đã tác động tích cực lên toàn ngành.
Về thị trường, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hạt điều Việt Nam trong 10 tháng đầu năm. Tuy nhiên, Trung Quốc đang nổi lên là một người mua tích cực.
Cụ thể trong tháng 10/2023, xuất khẩu hạt điều sang Trung Quốc đạt 14.854 tấn với trị giá hơn 88,7 triệu USD, tăng 69,4% về lượng và tăng 77% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Sản lượng này cao nhất từ đầu năm và đưa Trung Quốc vượt Mỹ, trở thành nhà nhập khẩu hạt điều Việt Nam lớn nhất trong tháng 10.
Tính chung trong 10 tháng đầu năm, Trung Quốc chi ra hơn 522,3 triệu USD để nhập khẩu 85.307 tấn hạt điều, tăng 43,1% về lượng và tăng 47,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc chiếm 16,5% về sản lượng và 17,7% về kim ngạch trong cơ cấu các thị trường nhập khẩu hạt điều Việt Nam trong 10 tháng năm 2023. Giá xuất khẩu bình quân sang thị trường này đạt 6.123 USD/tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ.
Theo báo Công Thương, trước đây người dân Trung Quốc hay sử dụng các loại hạt như hạnh nhân, óc chó... nhưng giá các loại hạt này cao hơn nhiều so với hạt điều. Hạt điều Việt Nam giàu dinh dưỡng, thơm ngon ngậy bùi. Chính vì vậy, hạt điều dần dần trở nên phổ biến và tăng lượng tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc.
Trước đó, do tình hình khó khăn từ nội tại lẫn thị trường xuất khẩu, Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) đã đề nghị điều chỉnh kim ngạch xuất khẩu điều năm 2023 xuống con số 3,05 tỷ USD. Trước thời điểm này, VINACAS cũng đã đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu hạt điều giảm từ 3,8 tỷ USD theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuống còn 3,1 tỷ USD.
Tuy nhiên, yếu tố chu kỳ và nhu cầu nhập khẩu từ thị trường Hoa Kỳ, EU tăng phục vụ tiêu dùng các dịp lễ cuối năm đã đẩy kim ngạch xuất khẩu hạt điều của Việt Nam những tháng cuối năm nhích lên. Tuy nhiên, xuất khẩu hạt điều cả năm 2023 vẫn không thể lấy lại mốc kỷ lục (xuất khẩu điều từng lập kỷ lục về giá trị vào năm 2021, với 3,63 tỷ USD).
Bên cạnh kết quả đạt được, theo VINACAS, hiện chất lượng trở thành vấn đề lớn của ngành chế biến hạt điều Việt Nam khi vừa qua, Hiệp hội Điều Việt Nam nhận văn bản cảnh báo về chất lượng từ 2 hiệp hội ở Hoa Kỳ và châu Âu, cùng một số khách hàng lớn. Trong đó, những chỉ tiêu bị cảnh báo là sâu mọt sống, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và tạp chất lạ…
Thêm vào đó, hầu hết các doanh nghiệp chế biến điều chưa chủ động được nguồn nguyên liệu; nguồn cung hạt điều thô mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% công suất chế biến của tỉnh, trong khi 70% nguyên liệu hạt điều thô phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu từ Indonesia, Campuchia, châu Phi. Sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong chuỗi sản xuất-chế biến-kinh doanh chưa chặt chẽ; nhiều cơ sở chế biến điều ở quy mô siêu nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế.
Trao đổi với báo Đại Đoàn Kết, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam cho rằng, để thúc ngành điều phát triển, các doanh nghiệp ngành điều cần phải chuyển mạnh sang chế biến sâu với những sản phẩm đa dạng, đáp ứng các nhu cầu, thị hiếu khác nhau của “người tiêu dùng cuối cùng”.
Mặt khác, các doanh nghiệp chế biến điều cần chú trọng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu; hỗ trợ, ký kết hợp đồng thu mua với người trồng điều, để có nguồn nguyên liệu chưa ổn định. Qua đó, giảm sự lệ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu từ nước ngoài, nâng cao sức cạnh tranh cho điều chế biến xuất khẩu của nước ta.
Đặc biệt, ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, nhấn mạnh, đến thời điểm hiện tại, việc giữ được chất lượng sản phẩm hạt điều xuất khẩu là yếu tố sống còn của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh điều cũng như ngành điều Việt Nam bởi nhiều lợi thế trước đây không còn nữa do áp lực cạnh tranh từ các nước châu Phi đang mỗi ngày một lớn hơn.
Minh Hoa (t/h)