Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ Công Thương trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Kế hoạch số 09/KH-TCQLTT ngày 08/11/2023 của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Theo đó, ngày 14/11/2023, Cục QLTT tỉnh Kiên Giang xây dựng Kế hoạch số 1062/KH-QLTTKG cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cuối năm 2023; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Theo Kế hoạch, Cục triển khai đến các Đội QLTT trực thuộc tổ chức thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm sau đây: Chú trọng công tác thông tin tuyên truyền, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng; Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại, xác định rõ đối tượng, lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm, tuyến trọng điểm trên địa bàn để chủ động xây dựng phương án, thực hiện có hiệu quả mục đích, yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Đối với địa bàn có biên giới: rà soát, giám sát chặt chẽ kho, bến bãi, điểm tập kết hàng hóa khu vực cửa khẩu, chợ biên giới, tuyến vận chuyển vào nội địa đối với các mặt hàng trọng điểm: đường cát, thuốc lá điếu, xăng dầu, hàng điện tử - điện lạnh đã qua sử dụng, quần áo đã qua sử dụng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...
Đối với địa bàn nội địa: kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tại trung tâm thương mại, chợ truyền thống, các tuyến đường có nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa; kiểm tra việc niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, .. đối với mặt hàng thiết yếu, mặt hàng phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân.
Theo lãnh đạo Cục QLTT Kiên Giang cho biết, kế hoạch được tổ chức thực hiện từ ngày 15/11/2023 đến hết ngày 29/02/2024.
Bên cạnh đó, phối hợp lực lượng chức năng địa phương và Đội QLTT có địa bàn biên giới để phòng ngừa, ngăn chặn hàng hóa vi phạm vận chuyển từ tuyến biên giới vào thị trường nội địa tiêu thụ.
Đặc biệt ứng dụng công nghệ thông tin và phối hợp trong đấu tranh chống các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ... trên môi trường thương mại điện tử.
Vừa qua, tại Tp.Hồ Chí Minh, Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực phòng, chống và xử lý vi phạm trong TMĐT” cho 21 Cục QLTT các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, trên không gian mạng hiện nay có rất nhiều hình thức vi phạm liên quan đến thương mại điện tử. Vi phạm điển hình là bán hàng giả của các nhãn hàng lớn liên quan đến hàng thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng, đồ điện tử...
Bên cạnh đó, tình trạng rao bán vũ khí, công cụ hỗ trợ, các thiết bị ghi âm, ghi hình, định vị, phá sóng... thậm chí là ma túy, chất kích thích đã và đang diễn ra tràn lan.
Theo Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh, để ngăn chặn những hành vi vi phạm này, trách nhiệm đầu tiên thuộc về lực lượng Quản lý thị trường, song, lực lượng không thể “đơn phương độc mã” trong cuộc chiến này được bởi, kiểm soát hàng vi phạm thương mại điện tử rất khó và cần sự phối hợp của nhiều lực lượng chức năng và các sàn thương mại điện tử.
"Trước mắt phải siết chặt hoạt động cấp phép cho các sàn, gian hàng trên các sàn từ đó kiểm soát chất lượng hàng hóa để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, của doanh nghiệp cũng như xây dựng môi trường thương mại điện tử lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế. Và lực lượng Quản lý thị trường xác định, chống hàng giả trên thương mại điện tử sẽ là nhiệm vụ chủ chốt của lực lượng trong vòng 3 đến 5 năm tới”, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh tại hội thảo.