Ngày 5-12, UBND huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) cho biết phòng nội vụ, giáo dục và đào tạo, công an đang phối hợp xác minh, giải quyết, đề xuất xử lý các tập thể, cá nhân liên quan vụ học sinh và cô giáo chửi bới, xúc phạm, cầm dép rượt đuổi nhau trong lớp học.
Nhóm học sinh ở Tuyên Quang dồn cô giáo vào góc lớp chửi bới, ném dép
Hành vi ứng xử của cô giáo và học sinh "rất bất thường"
Đánh giá về vụ việc trên, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - ủy viên Ban chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam - cho rằng "hành vi này đã đi quá giới hạn của tình cô trò, văn hóa ứng xử học đường".
Theo ông Cường, qua các đoạn clip cho thấy mối quan hệ ứng xử giữa cô và trò không khác gì "ngoài đường, ngoài chợ", không có sự tôn sư trọng đạo.
Trong các clip lan truyền trên mạng xã hội, có một số clip thể hiện các học sinh ném giấy, dép vào người giáo viên, vây quanh la hét, chửi tục dẫn đến cô giáo nằm ra sàn lớp học...
Ngoài ra cũng có clip khác cho thấy cô giáo cầm dép rượt đuổi các học sinh chạy hỗn loạn quanh lớp, ném dép vào học sinh.
"Hành vi ứng xử của cô giáo và học sinh trong các clip này không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, kỷ luật trong giáo dục", ông Cường nói và nhấn mạnh đây là điều "rất bất thường, hiếm khi xảy ra".
Từ đó, ông Cường cho rằng để đánh giá tổng thể sự việc cần làm rõ nguyên nhân, diễn biến mối quan hệ giữa giáo viên và các học sinh trong lớp này để có hướng xử lý phù hợp.
Để xảy ra sự việc lộn xộn trong lớp học như vậy thì có phần trách nhiệm của giáo viên, lãnh đạo nhà trường và phụ huynh học sinh.
Cơ quan chức năng cũng phải làm rõ quá trình giảng dạy giáo viên này có hoàn thành nhiệm vụ không, hiệu quả trong công tác giảng dạy, việc duy trì kỷ luật trong lớp học, nguyên nhân nào dẫn đến hàng loạt học sinh vô lễ, thiếu tôn trọng giáo viên như vậy.
Ngoài ra, cũng cần xem xét xử lý kỷ luật đối với các học sinh đã vượt quá chuẩn mực đạo đức khi có những lời lẽ xúc phạm, hành vi vô lễ đối với giáo viên.
"Đầu đuôi câu chuyện thế nào nhiều người chưa rõ, những thông tin qua các clip trên mạng chỉ là một phần sự việc. Để có cái nhìn toàn thể, đánh giá toàn diện sự việc thì cơ quan chức năng cần vào cuộc, có kết luận chính thức và có hình thức xử lý phù hợp theo nguyên tắc giáo viên sai thì xử lý, học sinh sai thì kỷ luật.
Cần duy trì kỷ luật học đường đúng quy định để cô ra cô, trò ra trò, đảm bảo hiệu quả giáo dục", ông Cường phân tích.
Cần lập lại trật tự, kỷ cương môi trường học đường
Ông Cường cho rằng sẽ rất nguy hiểm nếu như học sinh coi thường thầy cô giáo, tấn công lại thầy cô giáo ngay tại lớp học. Nếu hiện tượng này diễn ra liên tục, kéo dài thì những đứa trẻ này sẽ hình thành nên ý thức coi thường pháp luật, coi thường danh dự nhân phẩm người khác.
Bởi vậy, những đứa trẻ đang trong độ tuổi phát triển, hình thành nhân cách rất cần có một môi trường lành mạnh, an toàn, có văn hóa để nuôi dưỡng tâm hồn và xây dựng những chuẩn mực trong suy nghĩ và hành động.
"Cần đấu tranh loại bỏ bạo lực học đường, đặc biệt là bạo lực xảy ra giữa thầy cô giáo và học sinh. Khi để xảy ra việc học sinh bạo hành giáo viên thì hậu quả sẽ rất khôn lường, giáo viên trở thành nạn nhân trước mắt, còn học sinh là nạn nhân lâu dài", ông Cường phân tích.
Với học sinh trung học cơ sở là giai đoạn đang thay đổi rất lớn về tâm sinh lý. Ở độ tuổi này việc giáo dục cần phải rất kiên trì, nhẫn nại, có phương pháp phù hợp mới có thể truyền tải kiến thức, kỹ năng cho các em hiệu quả.
Tuy nhiên, nếu học sinh vi phạm kỷ luật cần phải áp dụng các biện pháp xử lý kỷ luật phù hợp quy định, không bênh vực học sinh hư.
"Cần lập lại trật tự kỷ cương trong môi trường học đường, giáo dục lành mạnh, văn minh. Đảm bảo nơi làm việc thuận lợi, có văn hóa cho giáo viên và môi trường học tập văn minh hướng thiện đối với học sinh", ông Cường nhấn mạnh.
Theo UBND huyện Sơn Dương, do trong giờ học giữa cô giáo và học sinh có khúc mắc nên nhiều em đã có hành vi chửi tục, xúc phạm giáo viên.