Đây là vấn đề phủ bóng chính trường Anh hơn một thập kỷ qua và là một trong những yếu tố chính thúc đẩy Anh rời Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2016.
Theo báo cáo trong tháng 11-2023, số lượng người di cư ròng hằng năm đến Anh đã đạt kỷ lục 745.000 người vào năm ngoái và hiện vẫn ở mức cao. Nhiều người di cư trong số này đến từ Ấn Độ, Nigeria và Trung Quốc thay vì EU.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ James Cleverly cho biết các biện pháp mới có thể giảm con số trên xuống 300.000 người. Theo Reuters, Anh dự định nâng ngưỡng lương tối thiểu đối với lao động có tay nghề người nước ngoài lên 38.700 bảng Anh, từ mức 26.200 bảng hiện nay.
Các biện pháp khác bao gồm ngăn chặn nhân viên y tế nước ngoài đưa thành viên gia đình nhập cư, tăng phụ phí mà người di cư phải trả để sử dụng dịch vụ y tế lên 66% và tăng ngưỡng thu nhập tối thiểu cho thị thực gia đình.
"Chúng tôi sẽ ngăn chặn tình trạng người nhập cư làm giảm lương của lao động Anh" - ông Cleverly nói. Dù vậy, các biện pháp này có thể gây tranh cãi bởi chủ doanh nghiệp Anh đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động những năm gần đây, nguyên nhân một phần là do việc chấm dứt đi lại tự do với EU kể từ năm 2020.
Không chỉ Anh, EU cũng đang phải đối phó làn sóng di cư hợp pháp lẫn bất hợp pháp, khiến một số quốc gia thành viên phải tạm thời tái áp dụng biện pháp kiểm soát biên giới trong khối Schengen - khu vực gồm 27 quốc gia châu Âu có chính sách đi lại tự do.
Kể từ tháng 11-2023, Áo đã mở rộng kiểm soát biên giới với Slovenia và Hungary cho đến tháng 5-2024, do áp lực lên hệ thống tiếp nhận người tị nạn, các mối đe dọa buôn bán vũ khí, mạng lưới tội phạm liên quan đến xung đột ở Ukraine và buôn người.
Đan Mạch cũng kéo dài các cuộc kiểm tra ở biên giới đất liền với Đức và tại các cảng có kết nối phà tới Đức cho đến tháng 5-2024.
Tương tự, Đức đang lên kế hoạch gia hạn kiểm soát biên giới với Ba Lan, CH Czech và Thụy Sĩ đến ngày 15-12. Người phát ngôn Bộ Nội vụ Đức hôm 4-12 cho rằng cần duy trì các biện pháp an ninh tại biên giới với Ba Lan, do các biện pháp này đã giúp ngăn khoảng 1.100 vụ nhập cư trái phép kể từ khi được triển khai vào ngày 16-10.
Xem thêm: nhc.46929280602132881-uc-pahn-iv-uad-uad-ua-uahc/nv.fefac