Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2023 kịp thời, hiệu quả, khả thi, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tuyệt đối không để tắc nghẽn, ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm.
Ngay sau khi có chỉ đạo, Ngân hàng Nhà nước đã có thông báo nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng. Nhiều doanh nghiệp hy vọng có thể tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn. Trong đó, có các doanh nghiệp bất động sản - lĩnh vực vừa qua, có phản ánh từ các hiệp hội cho rằng, việc tiếp cận vốn còn gặp một số rào cản từ Thông tư 06.
Theo kiến nghị từ Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp, hiện tại vẫn còn một số quy định gây khó trong Thông tư 06. Cụ thể, khoản 5, điều 26 quy định: "Trường hợp cho vay để thanh toán tiền nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, tổ chức tín dụng phải phong tỏa số tiền giải ngân vốn cho vay tại tổ chức tín dụng cho vay theo quy định của pháp luật".
Tương tự, khoản 2 điều 22 yêu cầu các tổ chức tín dụng: "Trường hợp cho vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án, có biện pháp kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình tài chính, nguồn trả nợ của khách hàng". Có thể hiểu là trong trường hợp cá nhân muốn vay ngân hàng để đặt cọc mua nhà tại dự án hình thành trong tương lai, ngân hàng phải kiểm soát tình hình tài chính của chủ đầu tư.
Nhiều doanh nghiệp hy vọng có thể tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
"Chúng tôi thấy các chỉ đạo quyết liệt và rất kịp thời của Chính phủ, đặc biệt là của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trong đó chỉ đạo rất sát sao Ngân hàng Nhà nước, để yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tháo gỡ các vướng mắc về mặt pháp lý và thuộc phạm vi thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước. Chúng tôi rất mong Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện để xem xét sửa đổi một số quy định còn bất cập để tạo điều kiện cho các chủ thể của nền kinh tế tiếp cận tín dụng một cách thuận lợi hơn", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, đề xuất.
"Người mua yêu cầu chủ đầu tư cấp cho tôi hồ sơ pháp lý để cung cấp cho ngân hàng là dự án này có tính khả thi, đảm bảo khả năng hoàn thành, về đích. Đầu tiên là khó cho người mua. Khoản nhận trước như vậy nhưng không tiêu được, rõ ràng không chủ đầu tư nào muốn. Có kinh phí phát sinh sẽ khiến giá nhà tăng lên, ngược lại việc phong tỏa như vậy rõ ràng người ta huy động tiền mà không sử dụng được chắc chắn không ai muốn", ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho biết.
Một số ý kiến cho rằng, các quy định này cũng làm gia tăng quy trình, thủ tục, tăng chi phí, gây khó cho cả tổ chức tín dụng và chủ đầu tư dự án.
"Nghiệp vụ cho vay là một trong những nghiệp vụ chính của giới ngân hàng. Nếu Ngân hàng Nhà nước giảm bớt các điều kiện đặt ra về góc độ quản lý hành chính, tăng cường chức năng ngân hàng trung ương điều tiết về kỹ thuật thì theo tôi sẽ tốt hơn cho giới ngân hàng. Vậy những quan tâm của Ngân hàng Nhà nước hiệu chỉnh để giảm bớt các quy định ngặt nghèo, tạo điều kiện thoải mái tự do hơn cho giới ngân hàng trong việc cung ứng vốn, sẽ tốt cho nền kinh tế", ông Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico, nhận định.
Hiện nay, lãi suất huy động và lãi suất cho vay đã giảm khá mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh câu chuyện lãi suất, các doanh nghiệp cũng cần được tháo gỡ các vướng mắc trong thủ tục vay vốn. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 là 14% nhưng tới cuối tháng 11, tăng trưởng toàn hệ thống mới đạt 8,21%.
VTV.vn - Doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp tục được vay vốn với lãi suất chỉ từ 1,2 - 4,4%/năm từ Quỹ phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.38942650160213202-nov-yav-cut-uht-gnort-cam-gnouv-og-gnov-yk-peihgn-hnaod/et-hnik/nv.vtv