Ngày 6-12, thông tin từ UBND thành phố Đà Nẵng đã có báo cáo về tình hình thực hiện dự án khu phi thuế quan thành phố Đà Nẵng gửi HĐND thành phố này.
Việc này thực hiện theo thông báo số 02 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo thành phố, và công văn của Văn phòng Chính phủ về việc đề xuất xây dựng đề án thành lập khu phi thuế quan Đà Nẵng.
Trong năm 2022 UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì tiếp thu ý kiến của các cơ quan trung ương, tổ chức tọa đàm tham vấn ý kiến các chuyên gia, phản biện để hoàn thiện xây dựng dự thảo đề án.
Tháng 7-2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có công văn trả lời thành phố về việc thẩm định đề án, kèm theo ý kiến của 14 bộ ngành.
Trên cơ sở đó đã chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Đà Nẵng nghiên cứu, tham mưu UBND triển khai thực hiện các nội dung theo ý kiến của bộ.
Thời gian qua UBND thành phố đã chỉ đạo các sở ban ngành, đơn vị liên quan rà soát, xây dựng Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, vị trí nghiên cứu bố trí khu phi thuế quan dựa trên định hướng đất hỗn hợp của đề án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và được đưa vào Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó nghiên cứu bố trí khu phi thuế quan nằm trên các tuyến giao thông liên khu vực kết nối khu logistics, cảng biển, sân bay.
Cụ thể: Tuyến đường Hoàng Văn Thái - Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành - Cảng Liên Chiểu; Hoàng Văn Thái - Nhà ga; Hoàng Văn Thái - Vành đai Tây 2 - Lê Đại Hành - Ga hàng không.
Bên cạnh đó là tuyến phía Nam của vị trí 3 (28,3ha) kết nối với trung tâm logistics trong phân khu đô thị sườn đồi và tuyến LRT trên đường Hoàng Văn Thái.
Vị trí các điểm bố trí đất cho việc phát triển khu phi thuế quan là các vị trí có đường bao 4 mặt đảm bảo cho yêu cầu là các khu vực hình thành hàng rào cứng và tách biệt với các khu dân cư.
Ngoài ra do tính chất nằm tại nút giao của đường Hoàng Văn Thái và tuyến liên khu vực nên được phân bố làm 3 vị trí liền kề, với tổng diện tích hơn 132ha.
Trong đó có hơn 86ha là đất thương mại dịch vụ thuần, còn lại là đất bãi đậu xe, giao thông nội bộ quy định các nút đấu nối, cây xanh. Với 3 vị trí này sẽ được thiết kế thông nhau bởi các đường ngầm dưới lòng đất hoặc cầu vượt để đảm bảo việc xây dựng hàng rào cứng của khu phi thuế quan.
Thành phố này đánh giá với xu hướng phát triển các mô hình khu thương mại tự do, khu phi thuế quan trên thế giới và các địa phương trong cả nước hiện nay.
Việc thành lập khu phi thuế quan về thương mại dịch vụ (gắn với khu đô thị sườn đồi) cần gắn với một số cơ chế, chính sách đặc thù để tạo động lực, bước phát triển đột phá cho kinh tế - xã hội của thành phố.
UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành phối hợp đơn vị tư vấn rà soát, tiếp thu, bổ sung và giải trình các nội dung, tập trung rà soát lại cơ sở pháp lý, cơ sở chính trị, đánh giá sự cần thiết, cơ sở thực tiễn, mô hình, trình tự, thủ tục và thẩm quyền xem xét, quyết định việc thành lập khu phi thuế quan.
Đồng thời rà soát sự phù hợp của các cơ chế, chính sách được đề xuất cho khu phi thuế quan liên quan đến thuế, hải quan, tài chính, y tế.
Việc hình thành khu thương mại tự do ở cảng Cần Giờ sẽ kết nối rất rộng rãi với các vùng, giúp đa dạng hàng hóa.