Vừa qua, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an) triệt phá thành công chuyên án ma túy pha trộn, tẩm ướp, bơm tinh chất vào thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu rồi rao bán trên mạng xã hội, "đầu độc" giới trẻ.
Trung tướng Nguyễn Văn Viện - cục trưởng Cục C04 - cho biết hóa chất dung môi để điều chế ra ma túy đều đi qua đường tiểu ngạch, đường mòn, lối mở, qua sông, kênh rạch, việc phát hiện khó khăn, phức tạp.
Bên cạnh đó, các nghi phạm tinh vi khi ở nhà thuê, nhà trọ không có dấu hiệu bất thường. Nếu không có kiến thức nghiệp vụ và thời gian theo dõi dài thì rất khó phát hiện các hoạt động vi phạm của các đối tương.
Nói về tác hại của thuốc lá điện tử, đại tá Nguyễn Xuân Trường - giám đốc Trung tâm Giám định ma túy, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) - cho biết tác hại của thuốc lá điện tử lớn hơn nhiều so với thuốc lá truyền thống.
Đại tá Trường cảnh báo thuốc lá điện tử đặc biệt nguy hiểm khi các chất ma túy tổng hợp được điều chế từ nguyên liệu, hóa chất có tính ứng dụng.
Các chất này được sử dụng hợp pháp trong phát triển kinh tế xã hội, nhưng nếu bị lạm dụng sang sản xuất ma túy thì nó là tiền chất ma túy.
Với hóa chất này, việc sản xuất ra ma túy rất nhanh, chỉ mất một vài tiếng đã tạo ra một sản phẩm ma túy tổng hợp.
Theo Bộ Y tế, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đều có chứa nicotine. Trong đó, thuốc lá điện tử có thành phần là dung dịch tinh dầu với khoảng 16.000 loại hương liệu được sử dụng.
Trong đó nhiều loại hương liệu gây ảnh hưởng đến sức khỏe, có thể pha trộn các chất khác vào dung dịch như ma túy, cần sa.
Thuốc lá điện tử hiện có xu hướng nhắm tới giới trẻ thông qua hình ảnh, phong cách tạo gu thẩm mỹ, xu hướng của giới trẻ, bán hàng qua mạng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, môi trường, lối sống, hành vi của giới trẻ.
Việc cho phép sử dụng thuốc lá điện tử sẽ làm gia tăng tình trạng sử dụng ma túy, rất khó kiểm soát. Đề xuất cấm thuốc lá điện tử chính là ưu tiên cho việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là bảo vệ thế hệ trẻ.
Tỉ lệ học sinh sử dụng thuốc lá điện tử đã gia tăng đáng kể
Theo Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), tại Việt Nam, điều tra tại 34 tỉnh vào năm 2020, tỉ lệ hút thuốc lá điện tử tập trung cao ở nhóm 15 - 24 tuổi là 7,3% so với các nhóm 25 - 44 tuổi (3,2%), 45 - 64 tuổi (1,4%).
Năm 2019, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm học sinh 13-17 tuổi là 2,6% (WHO). Năm 2022, theo điều tra, tình hình sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên 13-15 tuổi là 3,5%.
Như vậy, chỉ sau ba năm, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh đã gia tăng một cách đáng kể.
Theo cảnh sát, thủ đoạn của các nghi phạm là bơm tinh dầu có ma túy vào thuốc lá điện tử, thuốc lá sợi rồi rao bán trên mạng xã hội, "đầu độc" thế hệ trẻ.