Doanh nghiệp bán lẻ hợp tác tái chế băng rôn, giảm rác thải nhựa
Ngày 6-12, Thế Giới Di Động hợp tác với Limloop thuộc Công ty Hali Care - thu gom băng rôn, áp phích quảng cáo tại các chuỗi bán lẻ thegioididong.com, Điện Máy Xanh, Bách Hóa Xanh và Nhà thuốc An Khang để sản xuất thành các sản phẩm túi thời trang.
Trong giai đoạn đầu, hợp tác sẽ diễn ra ở khu vực TP.HCM, sau đó sẽ mở rộng trên phạm vi toàn quốc. Theo tính toán, khối lượng băng rôn thu gom được trong giai đoạn đầu là 1.000kg mỗi tháng.
Việc tái chế băng rôn, áp phích để biến thành túi thời trang ngoài phục vụ mục đích làm xanh trái đất còn là một ý tưởng sáng tạo. Trong những năm vừa qua, Limloop - với đội ngũ nhân viên phần lớn đều là người khuyết tật - đã được thị trường biết đến và đón nhận dòng sản phẩm chính là túi ni lông dệt tái chế duy nhất và đầu tiên tại Việt Nam.
Từ năm 2021 đến nay, Limloop đã tái chế được gần 2 tấn ni lông các loại. Băng rôn, áp phích là chất liệu sáng tạo tiếp theo Limloop sẽ tập trung trong tương lai.
Cử tri TP.HCM quan ngại một số dự án trọng điểm kéo dài, gây lãng phí cơ hội và nguồn lực
Thông báo kết quả tổng hợp ý kiến cử tri và nhân dân trước kỳ họp thứ 13 HĐND TP.HCM khóa X diễn ra ngày 6-12, bà Trần Kim Yến - chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, cho biết cử tri và nhân dân TP đồng thuận với việc thực hiện sắp xếp khu phố - ấp, triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhằm tinh gọn, hiệu quả, phát huy tính chủ động sáng tạo, bảo đảm sự ổn định và phát triển.
Cử tri và nhân dân hoan nghênh chính quyền TP triển khai thí điểm khám sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi trên địa bàn.
Tuy nhiên, theo bà Yến, cử tri và nhân dân quan tâm, lo ngại về tình trạng cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, có tâm lý né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm nên không hoặc chậm tham mưu giải quyết công việc.
Một số dự án lớn trọng điểm có vai trò thúc đẩy phát triển nhưng triển khai thực hiện kéo dài gây lãng phí cơ hội, nguồn lực đất đai, nguồn vốn đã đầu tư.
Bên cạnh đó vấn đề được quan tâm là biến động giá cả thị trường, nhất là giá xăng dầu, giá điện, tình trạng giả mạo khi công chứng hợp đồng; các ứng dụng cho vay tiền trên mạng xã hội; tình trạng ngộ độc thực phẩm và nhiễm độc thực phẩm; tình hình thiếu vật tư, trang thiết bị y tế, thuốc phục vụ khám chữa bệnh tại các bệnh viện...
Cử tri và nhân dân đồng thuận với chủ trương thực hiện đầu tư dự án đường vành đai 3, mong muốn TP tiếp tục thực hiện tốt công tác đền bù, hỗ trợ tái định cư và các chính sách hỗ trợ công khai, minh bạch. Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tập trung giải quyết vướng mắc các dự án đã triển khai: khu đô thị Thủ Thiêm, các dự án tại khu Nam, khu Tây Bắc, chống ngập ngăn triều, metro 2, các dự án nhà ở, nhất là nhà ở xã hội…
Bệnh viện Mắt trung ương kêu gọi hiến tặng giác mạc
Kể từ dịch COVID-19, ngày 4-12 vừa qua là lần đầu tiên ngân hàng mắt thuộc Bệnh viện Mắt trung ương nhận được giác mạc hiến tặng từ cộng đồng trở lại. Người hiến giác mạc là một nam giới 40 tuổi qua đời vì mắc bệnh phổi, trước đây người thân của anh đã từng hiến tặng giác mạc.
Theo thông tin từ ngân hàng mắt, do giãn cách do dịch COVID-19 và sau đó do thiếu nguồn dung dịch bảo quản giác mạc, đây là giác mạc hiến trở lại đầu tiên và hiện đã có đủ nguồn vật tư, thiết bị để nhận giác mạc hiến tặng, ghép cho người bệnh về mắt đang chờ ghép.
Giác mạc hiến tặng được dùng cho người bệnh sẹo giác mạc, chấn thương mắt... cần ghép. Hiện danh sách người chờ ghép khoảng 600 - 800 người. Người được ghép giác mạc của người hiến tặng ngày 4-12 và ca ghép thực hiện ngày 6-12 là một nam giới 50 tuổi, đã chờ ghép 6 năm nay.
Chấn thương mắt của bệnh nhân đã gây đau, chảy nước mắt, đỏ mắt... ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của ông. Ca ghép đã thành công và thị lực của bệnh nhân sẽ phục hồi trong khoảng 1 tháng tới.
Ông Cung Hồng Sơn - phó giám đốc Bệnh viện Mắt trung ương, cho biết trước đây mỗi năm ngân hàng mắt nhận được 100 - 200 giác mạc hiến tặng, đặc biệt là năm 2020 có 169 người hiến giác mạc, tương đương nhận trên 300 giác mạc.
Tuy nhiên từ khi xảy ra dịch COVID-19, ngân hàng mắt cạn kiệt giác mạc, trong khi danh sách người bệnh chờ ghép ngày càng dài.
Đề nghị xây dựng luật về điều trị bằng tế bào gốc
Thế giới đã ghép tế bào gốc điều trị cho bệnh nhân ung thư máu từ trên 60 năm trước, Việt Nam cũng đã ghép gần 20 năm nay nhưng các quy định xung quanh kỹ thuật trị liệu tế bào vẫn còn thiếu. Thông tin từ hội nghị của Bộ Y tế ngày 6-12 cho biết.
Theo ông Nguyễn Ngô Quang - phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế, từ năm 2010 - 2023 đã có 30 nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc được Bộ Y tế phê duyệt. Hiện các nghiên cứu/ứng dụng tế bào gốc gồm tế bào tủy xương, dây rốn, tạo máu, tế bào miễn dịch tự thân, mô mỡ, huyết tương giảm tiểu cầu, sản phẩm từ tế bào... cho điều trị đã được triển khai.
Tuy nhiên vẫn còn những tồn tại trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ này, như chưa có đơn vị nghiên cứu tiền lâm sàng, thiếu phòng thí nghiệm và ngân hàng tế bào gốc đạt chuẩn, hợp tác quốc tế thiếu thống nhất mà tự phát từng cơ sở y tế...
Ông Quang đề xuất cần xây dựng các quy định/luật về điều trị, nghiên cứu bằng tế bào gốc nhằm phát triển kỹ thuật, đảm bảo an toàn và quản lý được các nguy cơ.
Một số tin tức đáng chú ý: Thủ tướng yêu cầu tăng cường xử lý nồng độ cồn dịp Tết; Nhiều ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất tiết kiệm; TP.HCM dự kiến bố trí hơn 16.000 cộng tác viên sức khỏe cộng đồng...