Ông Hà Trọng Hải, phó chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, khẳng định nghị quyết số 05-2021 của Tỉnh ủy Lai Châu về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 (nghị quyết 05) đã định hướng, chủ trương đúng đắn, phù hợp với tiềm năng, lợi thế và xu thế phát triển của tỉnh.
Qua 2 năm thực hiện, nhiều chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt, trong đó có nhiều nội dung doanh nghiệp liên kết với người dân tự thực hiện, không đề nghị sự hỗ trợ của Nhà nước.
"Quả ngọt" từ nghị quyết 05
Đến Lai Châu những ngày này, không khó để bắt gặp những nương chè xanh ngút tầm mắt tập trung ở các huyện Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường,… Việc phát triển cây chè thành một sản phẩm hàng hóa tập trung, có thương hiệu là "quả ngọt" từ hàng loạt chính sách của tỉnh này, trong đó có các chính sách tại nghị quyết số 05.
Hiện toàn tỉnh Lai Châu đang có gần 9.000ha chè, sản lượng chè búp tươi đạt 45.000 tấn/năm, tương ứng 11.000 tấn chè búp khô các loại. Diện tích chè tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trên 5.700ha.
Tận dụng ưu thế về điều kiện tự nhiên, cơ chế chính sách và nguồn lao động dồi dào, các huyện đã xây dựng thành công thương hiệu chè sạch chất lượng cao với sự tham gia của các công ty, doanh nghiệp và hàng nghìn hộ dân.
Điển hình như Hợp tác xã trà Tân Tiến (xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên) liên kết với hơn 200 hộ dân trồng hơn 300ha chè theo hướng hữu cơ. Hợp tác xã thu mua toàn bộ chè tươi của bà con để chế biến chè khô.
Hiện mỗi năm, hợp tác xã bán ra hơn 1.000 tấn chè khô thành phẩm cho cả thị trường trong nước và quốc tế. Trừ chi phí, mỗi năm hợp tác xã lãi hơn 3 tỉ đồng và tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 40 công nhân địa phương.
Theo ông Hà Trọng Hải, sau hơn 2 năm triển khai, nghị quyết 05 đã dần đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu, định hướng phát triển nông nghiệp mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.
Nhận thức của doanh nghiệp, người dân về nông nghiệp hàng hóa, liên kết chuỗi giá trị trong nông nghiệp được nâng lên rõ rệt, nhiều sản phẩm nông sản được kết nối tiêu thụ trên địa bàn cả nước cả về số lượng và chất lượng.
Hơn 2 năm qua, đã thu hút được 87 doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm, khảo sát đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Toàn tỉnh đã có 89 dự án liên kết sản xuất được triển khai thực hiện, từng bước thay đổi tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ cá thể, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã chuyển biến rõ nét.
Các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có lợi thế cạnh tranh được phát triển, tham gia thị trường trong nước và xuất khẩu theo đúng hướng xác định, các chỉ tiêu đều đạt trên 50% nghị quyết đề ra.
"Trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, khí hậu đã phát triển nhiều sản phẩm nông nghiệp hàng hóa đặc sản, chất lượng, tham gia mạnh vào thị trường trong và ngoại tỉnh, được thị trường chấp nhận, dần hình thành một số thương hiệu đặc sản Lai Châu như các sản phẩm gạo đặc sản địa phương, thịt sấy và các loại gia vị, chè cổ thụ Lai Châu, miến dong Bình Lư, hoa địa lan, mật ong rừng, rượu Lộc trời, rượu Putaleng…" - lãnh đạo UBND tỉnh Lai Châu chia sẻ.
Hình thành liên kết giá trị trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm
Tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện nghị quyết số 05 hồi tháng 7 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Giàng Páo Mỷ khẳng định nhờ nghị quyết 05, phát triển nông nghiệp của tỉnh có nhiều chuyển biến, từng bước khẳng định được vai trò là lĩnh vực kinh tế trọng điểm, trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả nghị quyết này, bà Mỷ yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ của nghị quyết, nhất là các chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt thấp, dự báo khó đạt, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu nghị quyết đã đề ra.
Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu yêu cầu tập trung đánh giá, điều chỉnh quy hoạch vùng phát triển nông nghiệp hàng hóa đảm bảo phù hợp với đặc tính cây trồng, thổ nhưỡng khí hậu.
Tập trung tháo gỡ những vướng mắc về quy hoạch, quản lý đất đai, tạo điều kiện thuận lợi triển khai các dự án thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp.
Tiếp tục vận động, khuyến khích người dân thực hiện chuyển đổi các diện tích đất hoang hóa, đất canh tác cây trồng kém hiệu quả sang phát triển các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn, góp phần đẩy mạnh tích tụ đất đai.
Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hình thành liên kết giá trị trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, các hoạt động giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Tỉnh Lai Châu phấn đấu đến năm 2030 toàn tỉnh có 100% phòng học được xây dựng kiên cố, bán kiên cố (kiên cố 80%, bán kiên cố 20%), xóa bỏ phòng học tạm, học nhờ.