Thông tin từ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết từ 5h15 đến 8h15 ngày 7-12, sương mù làm tầm nhìn hạn chế, khiến 11 chuyến bay đến sân bay Nội Bài phải chuyển hướng đến các sân bay khác.
Đồng thời có khoảng 10 chuyến bay từ sân bay Nội Bài phải lùi thời gian cất cánh chờ sương mù tan.
Đến 8h15, khi sương tan, trời hửng nắng, sân bay Nội Bài khai thác bình thường trở lại, tiếp nhận các chuyến bay đến và đi.
Dù sân bay Nội Bài trở lại khai thác bình thường, do các chuyến bay bị chậm chuyến vì sương mù, lịch bay của các hãng hàng không bị ảnh hưởng dây chuyền, nhiều chuyến bay bị chậm giờ khởi hành 2-3 tiếng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, anh Nguyễn Toại - hành khách chuyến bay VN 1575 từ Hà Nội đi Đà Lạt - cho biết chuyến bay này có lịch cất cánh lúc 12h05. Hãng thông báo vì ảnh hưởng thời tiết xấu nên phải lùi giờ khởi hành dự kiến đến 14h. Hãng phục vụ bữa ăn trưa cho các hành khách bị chậm chuyến.
"Thời điểm 11h45 ngày 7-12, màn hình hiển thị trạng thái các chuyến bay ở sân bay Nội Bài thông báo có 6 chuyến bay bị chậm giờ khởi hành khoảng 2 tiếng" - anh Toại cho biết.
Đại diện sân bay Nội Bài cho biết sương mù vào mùa đông thường xuất hiện vào sáng sớm làm ảnh hưởng các chuyến bay khi tầm nhìn bị hạn chế không đảm bảo an toàn cho máy bay cất, hạ cánh. Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã tăng cường theo dõi mọi diễn biến của thời tiết để phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan đảm bảo phục vụ bay an toàn tuyệt đối.
Tại các sân bay khu vực Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa và miền Bắc, hiện tượng sương mù thường xảy ra vào đêm và sáng sớm mùa đông. Khi sương mù kết hợp không khí lạnh dễ xảy ra mưa phùn, mây thấp.
Hình thế thời tiết này làm giảm tầm nhìn, giảm khả năng quan sát, định hướng, định vị của phi công. Từ đó làm giảm khả năng điều khiển máy bay cất hạ cánh chính xác và dễ gây va chạm trên không, va chạm với chướng ngại vật tĩnh không và va chạm với địa hình…
Trong ngành hàng không, hiện tượng gây giảm tầm nhìn xấu được xem là hiện tượng nguy hiểm có khả năng uy hiếp an toàn bay.
Việc các chuyến bay phải chuyển hướng hạ cánh, hoãn hủy chuyến do thời tiết gây bất tiện, bức xúc cho hành khách và cũng khiến các hãng hàng không bị thiệt hại nặng.
Cụ thể, chuyến bay bị chậm, hủy chuyến, chuyển hướng hạ cánh sẽ bị ảnh hưởng dây chuyền tới các chuyến bay khác theo lịch bay đã được bố trí; tăng chi phí nhiên liệu khi bay chờ, chuyển hướng đến sân bay khác; tăng chi phí bay rỗng đến sân bay khác đón khách; chi phí hỗ trợ hành khách bị ảnh hưởng.
Ngày 8-2, cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam ban hành chỉ thị các đơn vị hàng không tăng cường đảm bảo an toàn hoạt động bay trong thời tiết sương mù, mây thấp.